Đưa nghệ thuật Chèo trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

NDO - Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 23/11. Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước tham dự.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: HÀ LINH)
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: HÀ LINH)

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Thái Bình được biết đến là “cái nôi của nghệ thuật hát Chèo”. Toàn tỉnh hiện có 234 câu lạc bộ Chèo; 100% trường học đưa hát Chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy - đây là một minh chứng cho sự lan tỏa và sức sống của Chèo trong xã hội đương đại.

Đất và người Thái Bình đã chắp cánh cho nghệ thuật Chèo lan tỏa, thực sự là hồn cốt của người dân quê lúa. Năm 2023, nghệ thuật Chèo ở tỉnh Thái Bình được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật Chèo là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố miền bắc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Chèo” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đưa nghệ thuật Chèo trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết: Nghệ thuật Chèo là hồn cốt của người dân quê lúa Thái Bình. (Ảnh: HÀ LINH)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình khẳng định: Những báo cáo, trao đổi học thuật của các nhà khoa học trong và ngoài nước hôm nay sẽ góp phần quan trọng trong nghiên cứu về di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo dưới góc độ liên ngành và di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước 2003 của UNESCO.

Tại Hội thảo, đã có hơn 70 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế phân tích, làm rõ sự xuất hiện, hình thành và phát triển của nghệ thuật Chèo qua các thời kỳ của lịch sử dân tộc, nhất là đang bén rễ, ăn sâu vào các miền quê nông thôn và được xem là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của quần chúng nhân dân.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Lê Cường (Nhà hát Chèo Việt Nam), trong quá trình hội nhập văn hóa hiện nay, việc phát triển Chèo dân gian trở thành Chèo cách tân, với những vở diễn mang hơi thở thời đại là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để nghệ thuật trình diễn Chèo luôn giữ được bản sắc, không bị lai tạp là cả một quá trình vận động, nhận thức, tiếp nhận.

Đưa nghệ thuật Chèo trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ảnh 2

PGS,TS Filip Kraus, Đại học Palacky (Cộng hòa Séc) đánh giá cao nét đặc sắc của hát Chèo và múa rối nước của Việt Nam. (Ảnh: HÀ LINH)

Chia sẻ suy nghĩ của mình, PGS,TS Filip Kraus, Đại học Palacky (Cộng hòa Séc) cho rằng: Hát Chèo và múa rối nước là hai bản hình của tâm hồn Việt. Theo thời gian, hai thể loại sân khấu này đã thay đổi đáng kể và ở mức độ nào đó được thống nhất bởi nỗ lực bảo tồn của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông thì Nhà nước cần tách bạch những khác biệt giữa hai loại hình nghệ thuật, hệ thống hóa và sau đó bảo tồn cho các thế hệ tương lai, lý tưởng nhất là trở thành một phần Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Bên lề Hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương chia sẻ: Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình lập hồ sơ “Nghệ thuật Chèo” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội thảo sẽ góp phần giữ gìn, bảo vệ các giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội đương đại, tiếp tục khẳng định nghệ thuật Chèo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đưa nghệ thuật Chèo trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ảnh 3

Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: HÀ LINH)

Theo Thứ trưởng, bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể luôn là mối quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền và ngành văn hóa.

Các nỗ lực tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức, thực hành di sản góp phần làm giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, bảo đảm sức sống trường tồn cho thế hệ hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững.