Tiếp sức cho chèo không chuyên

Các câu lạc bộ chèo không chuyên góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ di sản chèo. Thế nhưng, những câu lạc bộ này hiện đang phải đối diện nhiều vấn đề nhức nhối.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục “Ván cờ tiên” do các nghệ nhân làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) biểu diễn. Ảnh: VNU - SIS
Tiết mục “Ván cờ tiên” do các nghệ nhân làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) biểu diễn. Ảnh: VNU - SIS

Sôi nổi chiếu chèo cơ sở

Đầu những năm 2000, cùng với sự phát triển kinh tế, sân khấu chèo không chuyên dần phục hồi. Các câu lạc bộ phát triển thành phong trào ở khắp các địa phương, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Nhìn lại 20 năm qua, cả nước đã có hàng nghìn câu lạc bộ chèo tập trung ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Đây là thực tế được PGS, TS Đinh Quang Trung, Viện trưởng Sân khấu điện ảnh, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nêu lên tại hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại”. Hội thảo vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội tổ chức.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình ghi nhận trên địa bàn tỉnh, một số nghệ nhân còn tự mở lớp truyền dạy chèo cho các bạn trẻ tại gia hoặc tại nhà văn hóa thôn, xã. Bên cạnh đó, trình diễn chèo là một bộ phận quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều hoạt động thực hành văn hóa bị mai một, lễ hội truyền thống vẫn là thực hành văn hóa then chốt của làng xã. Còn hội làng, thì vẫn còn tiếng hát chèo.

Và những hạn chế

Nhưng có một thực tế, phần lớn các cá nhân yêu thích chèo tới sinh hoạt câu lạc bộ trên tinh thần tự đóng góp kinh phí hoạt động. Việc mua sắm nhạc cụ, trang phục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng biểu diễn gặp nhiều khó khăn, vì khó có thể trang trải. Chế độ đãi ngộ dành cho các nghệ nhân chưa cao, việc triển khai cũng tồn đọng những bất cập nhất định. Cho nên, chưa tạo động lực mạnh để họ chuyên tâm gắn bó, bảo vệ và phát triển chèo.

Vả lại, sinh hoạt câu lạc bộ với mục đích giải trí là chính yếu, nên nhìn chung ít có sự cải tiến. Các nghệ nhân chủ yếu nhớ tích trò nào thì biểu diễn tích trò ấy, khó lôi cuốn người xem nếu đem đi biểu diễn thường xuyên. Những điều này khiến nghệ thuật chèo tại các địa phương vẫn chỉ giậm chân tại chỗ, mà chưa có nhiều cơ hội phát huy.

Cùng với đó, thành viên của các câu lạc bộ hiện nay phần lớn đều từ độ tuổi 50 trở lên. Trong khi đó, thế hệ trẻ không có nhiều người mặn mà với nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, các địa phương chưa tìm được nhiều gương mặt trẻ có triển vọng cho đội ngũ kế cận bảo tồn và thực hành di sản văn hóa. Chia sẻ của Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) khiến người nghe không khỏi xót xa. Ông nói, mỗi cụ cao niên trong làng Khuốc nắm giữ khoảng ba làn điệu chèo cổ. Qua thời gian, nhất là sau dịch Covid-19 vừa qua, những làn điệu chèo ấy đã vĩnh viễn đi cùng các cụ.

Làm sao ngân dài tiếng hát?

Cần nhanh chóng tổ chức sưu tầm các làn điệu, tích chèo cổ đang được các nghệ nhân lớn tuổi lưu giữ. Đồng thời, có kế hoạch phục dựng những làn điệu đã bị thất truyền, nhằm lưu trữ, giới thiệu trên không gian mạng. Cần tiếp tục đẩy mạnh mô hình câu lạc bộ tiếng hát chèo, chiếu chèo, biến câu lạc bộ chèo thành hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng.

Tuy nhiên, do bận rộn với việc học tập, nên thời gian sinh hoạt câu lạc bộ của các bạn trẻ sẽ không tương đồng với những người lớn tuổi. Vậy nên, có thể cân nhắc tới việc đưa giảng dạy chèo vào trường phổ thông tại các tỉnh, thành phía bắc thông qua các tiết học ngoại khóa. Song, không nên biến đây trở thành môn học mang tính chất bắt buộc, mà cốt yếu là phát hiện và bồi dưỡng những tài năng mới cho bộ môn nghệ thuật này. Đồng thời, mở các lớp ngắn hạn ngoài không gian trường học để đào tạo diễn viên, nhạc công, tác giả, đạo diễn cho các câu lạc bộ chèo không chuyên.

Nếu việc tham gia biểu diễn tại các câu lạc bộ có thể giúp tạo sinh kế cho những nghệ nhân, hẳn sẽ thôi thúc họ có thêm ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, thậm chí làm mới loại hình di sản này. Để việc biểu diễn tạo ra thu nhập, cần đưa thưởng thức chèo thành một sản phẩm du lịch. Nhất là với những địa phương sẵn có tiềm năng du lịch với hệ thống các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, lại sở hữu nghệ thuật chèo.

Kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan văn hóa là chưa đủ để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động biểu diễn chèo không chuyên, nếu không có sự chung tay hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp. Lợi thế trước mắt có thể nhìn thấy là các doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn lao động tại chỗ có am hiểu, năng khiếu trình diễn. Để doanh nghiệp tham gia tài trợ cho hoạt động bảo vệ và làm du lịch từ nghệ thuật chèo, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích cụ thể.

Bảo tồn và phát huy của bất kỳ loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng sở hữu di sản, đang chung sống cùng di sản. Đây không phải trách nhiệm của riêng những người thực hành di sản.