Theo bác sĩ Lê Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk, trưa ngày 10/11, Trung tâm tiếp nhận sản phụ H.Đ.B 31 tuổi, trú tại buôn Tlu, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk với chẩn đoán vỡ tử cung, thai con rạ chuyển dạ có vết mổ cũ lấy thai do ngôi ngang cách đây 3 năm và mang thai sinh con lần thứ 5.
Trước tình hình nguy cấp, ngay lập tức các bác sĩ trong kíp trực tại Trung tâm đã triển khai các biện pháp cấp cứu hồi sức cho thai phụ, đồng thời triển khai kíp gây mê và kíp phẫu thuật, kíp hồi sức Nhi sơ sinh để cấp cứu cho sản phụ và thai nhi.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu mổ lấy thai nhi trong ổ bụng. Bé gái được đưa ra trong tình trạng ngạt nặng phải hồi sức và chuyển về Khoa hồi sức Nhi sơ sinh để tiếp tục theo dõi. Riêng sản phụ, tử cung bị vỡ sẹo mổ cũ rách rộng ra 2 bên dây chằng, các bác sĩ đã tiến hành cắt tử cung bán phần cầm máu.
Sau 2 giờ phẫu thuật các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp của sản phụ ổn định. Đến nay, sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe sản phụ đã ổn định, bé đã bú mẹ và sắp tới sẽ được xuất viện về nhà.
Theo bác sĩ Lê Thị Thủy, vỡ tử cung khi mang thai và chuyển dạ sinh con là tình trạng hết sức nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, nhất là đối với các sản phụ đã từng phẫu thuật sinh con và mang thai nhiều lần.
Do đó, để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bác sĩ Lê Thị Thủy khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai, đặc biệt là những thai phụ có tiền sử vết mổ sẹo ở tử cung như đã từng mổ lấy thai, bóc nhân xơ tử cung… nên đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để đề phòng các tai biến sản khoa.
Đối với các trường hợp sản phụ ở vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, nằm cách xa cơ sở y tế, khi đến ngày dự sinh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, xử lý phù hợp tránh việc chuyển dạ tại nhà nhưng không kịp tới cơ sở y tế.