Thêm một trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại Đắk Lắk

NDO - Ngày 30/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại huyện Krông Pắc. Đây là trường hợp mắc viêm não Nhật Bản thứ 4 trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm 2023 đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk điều tra môi trường chung quanh nhà bệnh nhân sinh sống. (Ảnh: Quang Nhật)
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk điều tra môi trường chung quanh nhà bệnh nhân sinh sống. (Ảnh: Quang Nhật)

Bệnh nhân là A.T, nam, sinh năm 2018, trú tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Theo người nhà bệnh nhân, ngày 22/9, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt không rõ nhiệt độ, đau đầu. Đến ngày 24/9, người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được chẩn đoán TD Viêm não màng não, TD nhiễm trùng huyết. Ngày 27/9, kết quả xét nghiệm MAC ELISA do Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác nhận bệnh nhi dương tính IgM viêm não Nhật Bản.

Hiện tại, bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị tích cực và đã dần ổn định.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc và Trạm Y tế xã Ea Yiêng triển khai điều tra, giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tại nơi bệnh nhân sinh sống.

Qua điều tra môi trường chung quanh nhà bệnh nhân sinh sống, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk ghi nhận các điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển của muỗi như: ruộng nước chung quanh nhà, nuôi trâu, bò và nuôi heo ngay trong khu vực nhà ở… Điều tra muỗi ghi nhận có sự hiện diện của vec-tơ truyền bệnh.

Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản 9 tháng năm 2023, tại xã Ea Yiêng mũi 1 đạt 65%, mũi 2 đạt 62,9%, mũi 3 đạt 53,5%. Riêng tại buôn Kon Hring, qua điều tra tại cộng đồng có 17 trẻ, trong đó 11/12 trẻ đã tiêm mũi 1, 11/12 trẻ đã tiêm mũi 2, và 9/12 trẻ đã tiêm mũi 3 vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt cho người. Bệnh gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn.

Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Bộ Y tế khuyến cáo, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Viêm não Nhật Bản, người dân cần chủ động phòng chống muỗi đốt, khi đi ngủ phải mắc màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt; dùng các biện pháp trừ khử muỗi như: vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi; vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu; không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi; thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh…