Đắk Lắk: Phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc sỏi san hô trên nền thận dị tật móng ngựa

NDO - Chiều 3/10, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Thận-Tiết niệu của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi san hô ra khỏi thận cho bệnh nhân N.V.Đ. (53 tuổi), trú tại phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng thăm khám bệnh nhân N.V.Đ. sau ca phẫu thuật lấy sỏi san hô trên nền thận dị tật móng ngựa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng thăm khám bệnh nhân N.V.Đ. sau ca phẫu thuật lấy sỏi san hô trên nền thận dị tật móng ngựa.

Đây là ca phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm cao do bệnh nhân đã từng phẫu thuật trước đó 3 lần và tiền sử bệnh nhân mắc thận móng ngựa. Dị tật thận móng ngựa là một dị dạng hệ tiết niệu sinh dục rất hiếm gặp, khó chẩn đoán, đồng thời khi phẫu thuật dễ gặp các biến chứng.

Sau 3 ngày trải qua ca phẫu thuật tiên lượng nhiều rủi ro, hiện nay sức khỏe bệnh nhân N.V.Đ. đã hồi phục tốt và chuẩn bị được xuất viện.

“Vừa qua, các cơn đau tái phát, tôi lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khám, kết quả chẩn đoán tôi mắc sỏi san hô, thận dị dạng móng ngựa. Các bác sĩ tư vấn trường hợp của tôi là ca phẫu thuật khó, quá trình mổ có thể xảy ra nhiều biến chứng, thậm chí có thể phải cắt bỏ cả 2 quả thận nên tôi rất lo lắng. Rất may nhờ kinh nghiệm dày dặn và kỹ thuật tốt của ê-kíp bác sĩ mà ca phẫu thuật của tôi đã rất thành công, đến nay tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi rất cảm ơn đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện”, bệnh nhân N.V.Đ. chia sẻ.

Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Ngoại Thận-Tiết niệu Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, thận hình móng ngựa là một dị tật bẩm sinh, gây bất thường về vị trí và cấu trúc của thận hiếm gặp. Đối với các bệnh nhân thận móng ngựa, thay vì thận ở hai bên cột sống và nằm riêng biệt với nhau thì 2 thận trái và phải nối với nhau bởi một eo thận giả. Bệnh nhân có thận móng ngựa có thể gây ra những biến chứng như gây tắc nghẽn đường tiểu, ứ nước thận, hình thành sỏi thận với tỷ lệ 20-60%, gây nhiễm trùng đường tiểu và thậm chí là ung thư thận.

Do bất thường về vị trí và hình dạng giải phẫu nên ở bệnh nhân bị thận móng ngựa sẽ tăng nguy cơ bị tổn thương thận khi bị chấn thương. Do đó, khi tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ., xác định bệnh nhân mắc sỏi san hô kích thước lớn lại bị thận móng ngựa, các bác sĩ đã rất trăn trở. Bởi thông thường, với một trường hợp phẫu thuật lấy sỏi san hô đã phức tạp, trường hợp này càng phức tạp hơn vì bệnh nhân N.V.Đ. đã từng phẫu thuật 3 lần, vết mổ chồng chéo. Bên cạnh đó, thận bệnh nhân còn dị tật móng ngựa, bất thường mạch máu làm cho độ khó của ca phẫu thuật tăng cao.

Với mục tiêu lấy sỏi san hô ra khỏi thận nhưng phải giữ được thận cho bệnh nhân, không làm thận tổn thương, đồng thời giải quyết vấn đề hẹp niệu quản do 2 quả thận dính vào nhau chèn ép niệu quản, sau hơn 2 giờ tiến hành phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, các bác sĩ đã lấy toàn bộ sỏi trong thận của bệnh nhân, giải quyết phần bế tắc và quan trọng là đã giữ được nguyên vẹn quả thận cho bệnh nhân.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân đầu tiên mắc dị tật thận móng ngựa trên nền nhiều vết mổ cũ được phẫu thuật lấy sỏi san hô thành công đầu tiên tại bệnh viện.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, hiện nay số lượng bệnh nhân mắc sỏi thận, nhất là sỏi san hô đang ngày một gia tăng. Do đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, để phòng ngừa sỏi thận, cách tốt nhất là uống nhiều nước, mỗi ngày người trưởng thành cần uống từ 2,8-3 lít nước lọc, cách 2 tiếng uống khoảng 250ml, uống rải rác trong ngày đến khi ăn cơm tối để thận đào thải cặn bã ra ngoài nhằm bảo vệ thận. Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế không nên uống các loại nước trà quá nhiều, hạn chế ăn thức ăn từ nội tạng động vật cũng như đồ chua, mặn…

Nên có chế độ vận động, luyện tập thể dục, thể thao hợp lý để nâng cao sức khỏe, giúp thận bài tiết tốt. Đặc biệt, đối với một số người làm việc ở môi trường ít vận động, ngồi nhiều thì nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng và nguy cơ biến chứng.