Ngày 17/3 tại Hà Nội diễn ra phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tham dự có đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh.
Tái khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
Với việc xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.
Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững.
“Do đó, với chủ đề Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, hội nghị hôm nay sẽ có ý nghĩa rất lớn lao, là phiên khởi động và cũng là tiền đề để tổ chức thành công Phiên cấp cao - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19/3/2023, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Về phía doanh nghiệp, tôi muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phát huy vai trò, sức mạnh lan tỏa và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu Covid-19, vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu.
Những thành tựu này có được là nhờ sự chung tay hợp lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Phiên họp kỹ thuật đã nghe tham luận của các nhóm công tác thuộc các lĩnh vực điện và năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, giáo dục. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các nhóm công tác, đại diện các bộ, ngành liên quan đã trực tiếp phản hồi những câu hỏi, ý kiến cụ thể đặt ra nhằm tháo gỡ những khó khăn của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.