Huy động tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng của Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. (Ảnh VŨ SINH)
Sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao của Nhật Bản tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. (Ảnh VŨ SINH)

Tuy nhiên, nguồn tài chính cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế tuần hoàn hiện vẫn là thách thức lớn cần sự đồng hành, nỗ lực hơn nữa của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo Ellen MacArthur Foundation (2021), kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này trở thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân doanh nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội như tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng, giảm đến mức thấp nhất khai thác tài nguyên vốn đang cạn kiệt và không thể phục hồi; giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên, góp phần hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường; giảm rủi ro thừa sản phẩm cho doanh nghiệp trong khi thiếu hụt nguyên liệu đầu vào; phát huy tính năng động, sáng tạo trong đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, còn nâng cao tính tự lực, tự chủ của doanh nghiệp, góp phần phát triển nền kinh tế tự cường, bền vững; đồng thời tăng hiệu quả và sự gắn kết giữa kinh tế-xã hội-môi trường.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Kinh nghiệm quốc tế về nguồn tài chính dành cho phát triển kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp khá đa dạng, bao gồm: Nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế (UNDP, IMF, WB, ADB...); nguồn vốn ngân sách, vốn đầu tư phát triển của Chính phủ, địa phương; nguồn vốn của doanh nghiệp (vốn tự có, huy động từ thị trường chứng khoán...; nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp (vốn FDI, vốn FII...); nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong đó, nguồn vốn từ trái phiếu và quỹ đầu tư bền vững chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các nguồn vốn phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Tại Việt Nam, đang bắt đầu bước vào kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn, với Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Đây là bước ngoặt quan trọng góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.

Theo Climate bonds và HSBC (2021), quy mô thị trường nợ bền vững, quy mô trái phiếu xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD (năm 2021), gấp năm lần năm 2020. Trong đó, riêng quy mô trái phiếu xanh Việt Nam đạt một tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu bền vững, đứng thứ hai ASEAN. Công cụ nợ xanh ở Việt Nam được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính (đặc biệt là ngành vận tải và năng lượng). Một số đợt phát hành nổi bật là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn của Vingroup trên thị trường quốc tế; 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh trong nước của EVN Finance.

Tuy nhiên, quy mô trái phiếu xanh Việt Nam còn nhỏ, chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2021. Đáng chú ý, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 8/2022, có khoảng 70 tổ chức tín dụng xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng xanh; chín tổ chức tín dụng có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh... Dư nợ tín dụng xanh đối với các dự án xanh đạt 451 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ), tăng gấp gần sáu lần mức 70,8 nghìn tỷ đồng năm 2015. Nhiều ngân hàng thương mại đã tăng cường hợp tác, thu hút vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, IFC, ADF, IDFC... để tài trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh như BIDV, VCB, Vietinbank, Agribank, SHB, HDBank, OCB...

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021 cho thấy: Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân (trong và ngoài nước).

Vì vậy, để đạt được mục tiêu nêu trên, các chuyên gia lĩnh vực tài chính, môi trường đề nghị Việt Nam cần sớm xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn gắn với kinh tế xanh như: Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub) phối hợp xây dựng và ban hành “Bộ quy tắc thay đổi hành vi” và tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, từ đó thực hành các hành vi chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

Đưa tiêu chí về phát triển xanh thành tiêu chí quan trọng trong thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước tại các địa phương; khuyến khích các hoạt động thu hồi, tái chế, đổi mới sáng tạo (xử lý rác thải công nghiệp; xe điện, xe tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào từ thiên nhiên)… Các doanh nghiệp xây dựng phương án huy động các nguồn lực tài chính khả thi cho phát triển dự án kinh tế tuần hoàn (phương thức, quy mô, thời điểm, lãi suất, tiêu chuẩn phát hành, nhà đầu tư trong nước/quốc tế)...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường (rộng hơn so với nội dung về tín dụng xanh) nhằm tăng cường quản trị tín dụng với các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế ít các-bon… theo các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và kế hoạch phát triển 5 năm theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng hiệu quả, nâng cao vai trò kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Mặt khác, Việt Nam cần tích cực tham gia đàm phán, thu hút nguồn vốn quốc tế đa dạng, vốn ODA để tài trợ cho các dự án tín dụng “kinh tế tuần hoàn”, dự án xanh; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mới có thể huy động đủ nguồn lực cho ba mục tiêu chính là: Tăng trưởng xanh; đạt mục tiêu lượng phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu...