Kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân chấm dứt chuỗi giảm

NDO - Kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280 nghìn đồng, tương ứng với tăng 5,9% so thu nhập bình quân năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Công ty May cổ phần Bắc Giang.
Sản xuất các mặt hàng xuất khẩu tại Công ty May cổ phần Bắc Giang.

Cơ cấu thu nhập có xu hướng bền vững hơn

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thương mại toàn cầu suy giảm, bất ổn của tình hình địa chính trị thế giới vẫn tiếp diễn. Phần lớn các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế.

Trong điều kiện đó, Việt Nam vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.

Đáng lưu ý, đời sống dân cư phản ánh qua chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục duy trì tăng so năm 2022 và cơ cấu thu nhập có xu hướng bền vững hơn.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280 nghìn đồng/người/tháng, tương ứng với tăng 5,9% so thu nhập bình quân năm 2022.

“Như vậy, thu nhập bình quân năm 2023 của người dân nói chung vẫn tiếp tục duy trì tăng, chấm dứt chuỗi giảm thu nhập 2 năm liên tiếp (2020 và 2021) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê nhận xét.

Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập bình quân năm 2023 so năm 2022 đã chậm lại so tốc độ tăng thu nhập 11,2% của năm 2022 so năm 2021 do nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch.

Cơ cấu thu nhập chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ và bền vững hơn khi tỷ trọng thu từ tiền công, tiền lương và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công trong tổng thu của hộ duy trì xu hướng tăng lên.

Bên cạnh thu nhập bình quân tăng, kết quả đánh giá của các hộ gia đình tham gia khảo sát cho thấy đời sống của hộ gia đình vẫn được duy trì ổn định trong năm 2023.

Thu nhập trong các tháng năm 2023 của hộ gia đình có xu hướng tăng lên và ổn định hơn so với các tháng cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, hơn 1/4 hộ gia đình (28,6%) tham gia khảo sát đánh giá có thu nhập tăng lên; gần 2/3 hộ gia đình (65,5%) đánh giá thu nhập không thay đổi; chỉ có 5,9% hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết.

Về nguyên nhân, các hộ gia đình đánh giá có thu nhập giảm trong cả năm 2023 chủ yếu là do hộ có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc là 38,7%; do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng là 25,9%; do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm là 21,1% và do quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh giảm là 19,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, đời sống dân cư năm 2023 vẫn duy trì ổn định, thu nhập bình quân tăng nhờ tác động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động; Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô giúp đời sống người dân ổn định.

Bên cạnh đó, một số chính sách đã có tác động tích cực đến đời sống dân cư, nổi bật là chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chính sách giảm thuế VAT có hiệu lực từ ngày 1/7/2023; tình hình lao động việc làm có xu hướng tích cực, thu nhập bình quân của người lao động tăng, kéo theo thu nhập của hộ vẫn duy trì tăng lên.

Để đời sống dân cư tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách an sinh xã hội; tạo việc làm cho người lao động và có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khó khăn, người yếu thế.

Lợi thế dân số vàng còn kéo dài khoảng 10 năm

Trong dữ liệu dân số và lao động năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố, có thông tin đáng chú ý với các nghiên cứu về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia. Đây là nghiên cứu được thực hiện từ sự phối hợp giữa Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc.

Tài khoản chuyển nhượng quốc gia là một phương pháp toàn diện và có hệ thống được sử dụng để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua đặc điểm thu nhập và chi tiêu của dân số và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ. Phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế theo cấu trúc tuổi của dân số cũng như cách dân số ở các nhóm tuổi khác nhau ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đến nay, nghiên cứu về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia đã được hơn 80 quốc gia trên thế giới thực hiện và công bố.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam thực chất là nhóm những người trong độ tuổi từ 22-53 tuổi, không phải nhóm dân số trong độ tuổi lao động, từ 15-64.

Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm.

Như vậy, trên quan điểm của tài khoản chuyển nhượng quốc gia, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam hiện nay không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam.

Ông Phạm Hoài Nam lý giải: Điều này không có nghĩa là chúng ta đã kết thúc thời kỳ dân số vàng. Xét về cấu trúc tuổi thuần túy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi của Việt Nam khoảng 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 32,6%.

Tuy nhiên, càng ngày lợi thế do cơ cấu dân số vàng đem lại càng giảm đi, đồng thời mức thâm hụt vòng đời kinh tế do tình trạng già hóa dân số ngày càng cao.

Nhưng lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba. Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.

Đặc biệt, nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

“Ngoài ra, mặc dù Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi, đất nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa.

Do đó, các chính sách để tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng, đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt bảo đảm hiệu quả kinh tế và ổn định xã hội”, ông Phạm Hoài Nam nói.

Bên cạnh đó, cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi, góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” nhằm tận dụng lợi tức nhân khẩu học thứ hai cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững.