Hướng tới mức lương đủ sống

Lương, thưởng luôn là mối quan tâm lớn của hàng triệu công nhân. Trong bối cảnh kinh tế sụt giảm, không ít doanh nghiệp và người lao động đang gặp khó khăn. Ở cả hai phía, cần có những động thái giúp nhau vượt qua giai đoạn này, đồng thời về lâu dài, cần có sự "tiếp sức" đối với cả doanh nghiệp và người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Với nhiều công nhân, có việc làm đã là may mắn.
Với nhiều công nhân, có việc làm đã là may mắn.

Doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó

Kết quả khảo sát về đời sống, thu nhập của người lao động cuối năm 2022 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) với hơn 6.200 công nhân tham gia, cho thấy, thời gian làm việc bình thường của người lao động giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Tổng thu nhập gồm lương, phụ cấp khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho các sinh hoạt trong đời sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Nghĩa là, mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu. Khảo sát cũng cho thấy, có 42% số người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; đặc biệt có đến 59% số người lao động không có tích lũy; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì được dưới một tháng; 16,7% có tích lũy, duy trì từ một đến ba tháng; chỉ 12,7% có tích lũy, có thể duy trì được hơn ba tháng. Do đó, việc quan tâm đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, nhằm giúp công nhân bớt khó khăn cần được cân nhắc, tính toán, làm sao để công nhân có mức thu nhập đủ sống và dần dần có tích lũy. Có chuyên gia đưa ra bình luận: "Một khoản thu nhập không đủ để công nhân tái tạo sức lao động ở mức tối thiểu thì chưa thể gọi là lương".

Đại diện Công đoàn Công ty Seedcom Fashion Group, đặt tại huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Tiền lương của công nhân, người lao động hiện chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu, việc tăng lương sẽ giúp họ có khả năng cải thiện cuộc sống. Nhưng để doanh nghiệp tăng lương từ ngày 1/1/2024 là không đơn giản, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng tăng đơn hàng vào cuối năm 2023.

Còn bà Huỳnh Thị Kim Ngân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Force Tech, khu công nghiệp Đức Hòa, Long An cho biết: Công ty có hai cơ sở sản xuất ở tại khu công nghiệp Đức Hòa và Thủ Thừa, tỉnh Long An. Hoạt động, sản xuất của công ty cũng đang gặp khó khăn do đơn hàng không ổn định, phải giảm giờ làm của công nhân. Như vậy, nếu tăng lương tối thiểu vùng trong giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi chính sách tiền lương tối thiểu vùng có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ linh hoạt áp dụng để giữ chân công nhân trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nêu quan điểm, một trong những yếu tố để thương lượng tiền lương là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất lao động, vừa phù hợp khả năng chi trả của các doanh nghiệp.

Giải quyết cả gốc, cả ngọn

Nhìn nhận vấn đề tiền lương ở góc độ "thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công nhân", nhiều chuyên gia cho rằng, mức lương tối thiểu là mức sàn thu nhập, có chức năng bảo vệ lao động yếm thế và là căn cứ để các bên thương lượng tiền lương.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh quan ngại: Lương tối thiểu tăng tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, điều này có thể khiến doanh nghiệp tìm cách bù đắp thông qua cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động. Hiện doanh nghiệp chi trả khoảng 22% cho các loại bảo hiểm của người lao động, 2% phí công đoàn, đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, khi doanh nghiệp đang gồng mình vì sụt giảm đơn hàng, nên đánh giá kỹ tác động của việc tăng lương giai đoạn này, bởi rất có thể sẽ tạo thêm cú sốc đối với các doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động về vấn đề thương lượng tăng lương, để mỗi người ý thức được vai trò và những đóng góp của bản thân cho vấn đề này. Cùng với đó, trong dài hạn, cần các phương án hỗ trợ, tìm kiếm đơn hàng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; hỗ trợ giá phòng trọ, giá điện cho công nhân; mở thêm các gian hàng giảm giá ở các khu có nhiều công nhân sinh sống, giúp họ cải thiện đời sống, cải thiện bữa ăn. Các doanh nghiệp cũng mong mỏi, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh đầu tư công, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các địa phương lân cận để tạo cơ hội thu hút làn sóng đầu tư tư nhân, đầu tư FDI thế hệ mới. Ðồng thời, Chính phủ nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội; không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.