Sản lượng công nghiệp tăng trưởng và nhu cầu vay vốn gia tăng, trong khi khảo sát niềm tin kinh tế tại Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực cũng có sự cải thiện vượt dự báo, mang lại lạc quan sau khi các chỉ số chính liên tục thấp hơn kỳ vọng trong tháng trước.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 15/10, sản lượng công nghiệp trong tháng 8 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng đối với vốn và hàng tiêu dùng lâu bền.
Tại Đức, sản lượng công nghiệp tăng hơn 3% trong tháng – mức tăng lớn nhất trong các nền kinh tế lớn của khu vực.
Tiếp sức cho "cỗ máy" kinh tế châu Âu
Một dấu hiệu tích cực khác cho Đức là chỉ số niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 10, với chỉ số ZEW tăng lên 13,1 điểm so với 3,6 điểm trong tháng 9.
Kỳ vọng về lạm phát thấp và ổn định, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo, cùng với sự cải thiện nhẹ trong nhu cầu xuất khẩu đã góp phần nâng cao niềm tin kinh tế, theo báo cáo của ZEW.
Một yếu tố dự báo tăng trưởng kinh tế bền vững khác là nhu cầu vay vốn cũng tăng, phản ánh hy vọng về lãi suất có thể được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm về mức thấp hơn.
ECB cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng 5 năm
ECB đã 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời để ngỏ khả năng cắt giảm tiếp vào tháng 12, khi lạm phát đã tiến gần đến mục tiêu 2%.
Theo một khảo sát của ECB, nhu cầu vay ngân hàng – nguồn vốn chính cho khu vực doanh nghiệp đã tăng trong quý III và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong ba tháng cuối năm, với các khoản vay thế chấp nhà ở đóng vai trò dẫn dắt.
ECB cho biết, nhu cầu vay doanh nghiệp tăng do lãi suất giảm, nhưng đầu tư ít tác động. Đối với khách hàng hộ gia đình, nhu cầu vay tăng chủ yếu do lãi suất giảm và triển vọng thị trường nhà ở cải thiện.
Ngân hàng này kỳ vọng quý tới nhu cầu vay sẽ tiếp tục tăng ở tất cả các phân khúc, đặc biệt là các khoản vay mua nhà.