Sản xuất công nghiệp ở khu vực đồng euro tiếp đà suy giảm

NDO - Kết quả khảo sát công bố ngày 2/3 cho thấy, hoạt động sản xuất nói chung ở khu vực đồng euro tiếp tục diễn biến theo chiều đi xuống trong tháng 3/2024, khi suy giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước đó, song đã có dấu hiệu phục hồi ở Italia và Tây Ban Nha.
0:00 / 0:00
0:00
Xưởng lắp ráp ô-tô hiện đại của hãng Mercedes-Benz ở Sindelfingen, Đức, ngày 4/3/2024. (Ảnh: Reuters)
Xưởng lắp ráp ô-tô hiện đại của hãng Mercedes-Benz ở Sindelfingen, Đức, ngày 4/3/2024. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu từ các cuộc khảo sát, nhu cầu trong khối tiếp tục giảm, tuy nhiên chỉ số lạc quan của các nhà sản xuất gia tăng, cho thấy khu vực này có thể sớm phục hồi.

Theo đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của khu vực đồng tiền chung euro đã giảm từ mức 46,5 điểm của tháng 2 xuống 46,1 điểm trong tháng 3, cao hơn ước tính sơ bộ trước đó là 45,7 nhưng vẫn dưới 50 điểm- mức biểu thị tăng trưởng trong hoạt động sản xuất.

Chỉ số đo lường sản lượng, vốn được coi là thước đo tốt về sức khỏe nền kinh tế, đã tăng từ mức 46,6 điểm lên 47,1, cải thiện so với ước tính sơ bộ là 46,8 điểm.

Đánh giá về kết quả khảo sát PMI, chuyên gia Goetz Erhardt của Công ty tư vấn Accenture cho biết, kết quả này là dấu hiệu cho thấy những thách thức lớn mà các nhà sản xuất châu Âu đang phải đối mặt. Tình trạng thiếu nguyên liệu đã phần nào giảm bớt nhưng triển vọng vẫn chưa chắc chắn.

Cụ thể, sản xuất của Pháp suy yếu với tốc độ nhanh hơn trong tháng 3 - mặc dù sự suy giảm không nghiêm trọng như ước tính sơ bộ.

Trong khi đó, ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 1/5 GDP của đất nước vẫn tiếp diễn. Dữ liệu sơ bộ cũng phản ánh lạm phát đang trong đà giảm ở 6 bang quan trọng về kinh tế của Đức trong tháng trước, là chỉ dấu cho thấy lạm phát quốc gia sẽ tiếp tục quỹ đạo đi xuống.

Tương tự, hoạt động sản xuất của Ireland đã giảm trong tháng 3/2024 sau khi tăng trưởng trở lại 1 tháng trước đó. PMI của nước này ở mức dưới 50 trong hầu hết 17 tháng qua.

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm rộng hơn trên bình diện khu vực, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Tây Ban Nha lại tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi Italia có dấu hiệu phục hồi sau 11 tháng suy thoái liên tiếp.

Tại Anh, chỉ số PMI của nước này phản ánh hoạt động sản xuất đã tăng trưởng lần đầu tiên sau 20 tháng nhờ nhu cầu phục hồi tại thị trường nội địa, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy cuộc suy thoái hồi năm ngoái đã kết thúc.

Số lượng đơn đặt hàng mới tại khu vực đồng euro cũng trên đà giảm tháng thứ 23 liên tiếp, bất chấp chi phí sản xuất đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2023.

Các chuyên gia đánh giá, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy áp lực lạm phát giảm bớt có thể sẽ là tin tức đáng mừng đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi định chế tài chính này đang nỗ lực đưa lạm phát của khối trở lại mức mục tiêu.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde hồi tháng trước nhận định rằng, tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro sẽ tiếp tục giảm trong khi tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm lại trong năm nay.

Các nhà máy trong khu vực cũng cắt giảm nhân viên nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai, nhờ chỉ số lạc quan của các nhà sản xuất đã tăng từ 57,1 lên 57,4 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.