Châu Âu đối mặt khủng hoảng nhà ở

Cuộc khủng hoảng nhà ở đã kéo theo những hệ quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân tại nhiều nước châu Âu. Gánh nặng về chi phí nhà ở đang đè nặng lên vai hơn 160 triệu người dân trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh diễn ra trong nhiều năm qua. (Ảnh REUTERS)
Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh diễn ra trong nhiều năm qua. (Ảnh REUTERS)

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2010-2023, giá nhà tại các nước Liên minh châu Âu (EU) tăng trung bình 48%, trong khi chi phí thuê cũng tăng 23%. Đáng chú ý, trong giai đoạn nêu trên, giá nhà tại hàng loạt quốc gia như Estonia, Hungary, Litva, Latvia, Séc, Áo, Luxembourg thậm chí tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, hiện 17,1% dân số EU phải chen chúc trong những ngôi nhà quá chật chội; khoảng một phần ba số dân Lục địa Già sống trong nhà thuê và 10% chi tới hơn 40% thu nhập cho việc thuê nhà; khoảng 900.000 người lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Đức là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. Liên đoàn Bất động sản Đức cho biết, người dân nước này đối mặt khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng khi việc xây dựng các tòa nhà dân cư bị đóng băng do chi phí đi vay tăng cao. Hậu quả là, Đức có thể thiếu tới 600.000 căn hộ trong năm nay và 830.000 căn vào năm 2027.

Trong khi đó, tại Anh, một báo cáo do tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation công bố cho thấy, nguồn cung nhà ở tại Anh thấp hơn cả về số lượng và chất lượng so với những nước phát triển khác. Theo Generation Rent, tổ chức bảo vệ người thuê nhà, số người vô gia cư tại Anh trong năm 2023 đã vượt quá số người mua nhà lần đầu. Ở Ireland, tuổi trung bình của người mua hiện nay là 39, tăng so với độ tuổi 35 của năm 2010.

Giới phân tích nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do các nhà kinh doanh bất động sản đang phải chịu chi phí đi vay cao sau khi lãi suất ngân hàng tại châu Âu liên tục tăng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, khiến các dự án xây dựng bị trì hoãn.

Ngoài ra, những quy định liên quan vấn đề xây dựng cũng là một nguyên nhân. Chuyên gia bất động sản tại Viện Nghiên cứu kinh tế Ðức (Ifo) Ludwig Dorffmeister cho rằng, việc tồn tại quá nhiều quy định, nhất là về năng lượng, đã liên tục làm tăng chi phí xây dựng trong 30 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay là lực cản đối với đà phục hồi kinh tế của các nước châu Âu và đe dọa kéo theo những bất ổn xã hội. Không chỉ đè nặng lên tốc độ tăng trưởng, tình trạng thiếu hụt nhà ở trên khắp châu Âu còn có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng chính trị, khi đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri.

Chuyên gia kinh tế Adam Corlett tại Resolution Foundation nhận định, cuộc khủng hoảng nhà ở sẽ là một chủ đề nóng, có thể tác động tới cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Anh, khi các đảng tranh luận về cách giải quyết vấn đề chi phí tăng cao mà rất nhiều hộ gia đình phải đối mặt.

Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu đang gấp rút xử lý cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng hiện nay. Chính phủ Đức dự kiến đến năm 2027, sẽ đầu tư tổng cộng 45 tỷ euro xây dựng nhà ở được trợ cấp công, trong đó 18 tỷ euro dành riêng cho nhà ở xã hội. Nhiều nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... cũng điều chỉnh lại chương trình "thị thực vàng", vốn cấp quyền cư trú cho người nước ngoài đầu tư bất động sản.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định, đây là bước đi cần thiết nhằm góp phần giúp người dân mua nhà với mức giá phải chăng. Ở cấp độ khu vực, tại cuộc họp diễn ra tháng 3 vừa qua, các bộ trưởng phụ trách vấn đề nhà ở châu Âu đã thông qua tuyên bố kêu gọi thực hiện một thỏa thuận về nhà ở xã hội và ổn định giá nhà tại châu Âu. Thỏa thuận hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng cho tất cả công dân EU.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) Oliver Ropke khẳng định, châu Âu cần có những hành động quyết liệt để xử lý cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay. Đây là chìa khóa quan trọng để duy trì sự ổn định xã hội tại Lục địa Già.