Kinh tế Đức với nỗi lo suy thoái

Tại Cung điện Bellevue, trước sự hiện diện của nhiều tổ chức và những người trẻ tuổi đến từ khắp nơi trên nước Ðức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã có bài phát biểu về "Tình trạng quốc gia" với lời kêu gọi đoàn kết.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Reuters
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. Ảnh: Reuters

Thông điệp đoàn kết được nhà lãnh đạo Ðức đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang phải đối mặt thách thức chưa từng có và nước Ðức cần phát huy sức mạnh của sự gắn kết để vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

Lạm phát cao kỷ lục và khủng hoảng năng lượng liên quan cuộc xung đột ở Ukraine đang tác động mạnh đến cuộc sống của người dân Ðức. Tổng thống Steinmeier đã nhấn mạnh những tác động dẫn đến cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất mà một nước Ðức thống nhất từng trải qua. Ông cảnh báo những năm khó khăn và khó khăn hơn đang ở phía trước.

Theo người đứng đầu quốc gia, một điều rõ ràng là nước Ðức sẽ phải chấp nhận tình trạng tài chính giảm sút trong vài năm tới. Hầu hết mọi người sẽ cảm nhận điều này trong một thời gian dài.

Ông nói: "Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi chúng ta phải học cách khiêm tốn trở lại". Mặc dù vậy, ông Steinmeier khẳng định trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói gia tăng, chính phủ vẫn bảo đảm sẽ giúp đỡ những người khó khăn nhất.

Là nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng euro (Eurozone) và là cường quốc xuất khẩu của châu Âu, song Ðức đang ngày càng lo ngại bởi có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Theo dự báo mới đây của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, tăng trưởng của kinh tế Ðức sẽ giảm 0,6% trong quý IV.

Ngân hàng Trung ương Ðức cũng có những nhận định tương tự khi cho rằng nền kinh tế nước này đang ở ngưỡng suy thoái.

Tỷ lệ lạm phát ở Ðức đã tăng 10,4% trong tháng 10, cao hơn mức kỷ lục 10% ghi nhận tháng trước đó. Giá năng lượng và thực phẩm tăng, trong đó giá tiêu dùng tháng 9 tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái, là những nguyên nhân chính khiến lạm phát tiếp tục gia tăng tại nước này.

Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán tỷ lệ lạm phát tháng 10 là 10%, nhưng thống kê sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Ðức (Destatis) cho thấy, lạm phát thậm chí còn cao hơn mức kỷ lục trong vòng 70 năm ghi nhận hồi tháng trước.

Tỷ lệ lạm phát cao đang làm giảm sức mua của người tiêu dùng, vốn được xem như một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Ðức.

Trong các ngành công nghiệp, khoảng hai phần ba doanh nghiệp vẫn than phiền về tình trạng thiếu các nguyên liệu thô quan trọng và sản phẩm trung gian, khiến công suất của các nhà máy không đạt mức tối đa.

Trong ngành xây dựng, lãi suất tăng và chi phí vật liệu cao khiến nhiều dự án bị hủy bỏ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Các doanh nghiệp Ðức đang rất bi quan về triển vọng năm tới, do chi phí năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu. Các công ty đang thu hẹp quy mô sản xuất ở Ðức hoặc chuyển địa điểm sản xuất sang những nơi có thủ tục hành chính, chi phí năng lượng và gánh nặng thuế thấp hơn.

Mặc dù chính phủ liên bang vừa thông qua gói hỗ trợ tiêu dùng và năng lượng trị giá 200 tỷ euro, nhưng cho đến nay, chi tiết về kế hoạch "phanh giá năng lượng" vẫn còn bỏ ngỏ. Các nhà bán lẻ thực phẩm vẫn đang lên kế hoạch tăng giá hầu hết các mặt hàng.

Trước những khó khăn bủa vây, các chuyên gia đều dự đoán về một cuộc suy thoái mùa đông, do giá cả tiếp tục tăng cao đang làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Trong dự báo gần đây nhất, Chính phủ Ðức cho rằng, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức 1,4% năm nay và suy giảm ở mức âm 0,4% năm tới.

Lạm phát cao và kéo dài cùng với sự không chắc chắn về nguồn cung và giá năng lượng tác động mạnh tới nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Nước Ðức đang nỗ lực phát huy mọi sức mạnh để đối phó các thách thức hiện nay. Ðó cũng là thông điệp mà Tổng thống Ðức Steinmeier đưa ra khi ông khẳng định: "Sự gắn kết không tự đến mà cần hành động. Nó là kết quả của con người, sự đồng cảm, trách nhiệm và lòng bác ái".