Kim Bảng phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng

NDO - Từ năm 2019 đến nay, huyện Kim Bảng (Hà Nam) thu hút 60 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, có diện tích thu hồi lớn như: Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, đường Ba Sao-Bái Đính, sân golf 36 hố tại xã Tượng Lĩnh, tuyến đường kết nối vành đai 4 với vành đai 5, quốc lộ 21B... Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Kim Bảng xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng và thường gặp khó khăn do liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng (Hà Nam).
Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng (Hà Nam).

Vì vậy cần phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, phát huy hiệu quả sử dụng đất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Mục tiêu rõ ràng, quan điểm nhất quán

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Kim Bảng là huyện trọng điểm về phát triển dịch vụ, du lịch, đô thị xanh, thông minh phía Tây Bắc của tỉnh Hà Nam và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 về xây dựng huyện Kim Bảng trở thành đô thị loại IV và thị xã trước năm 2025.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, huyện Kim Bảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư vào địa bàn.

Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Kim Bảng cho biết: Công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ có vai trò quan trọng nhằm tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội, từng bước cơ cấu lại lao động, cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư xây dựng mới, chỉnh trang đô thị.

Song, giải phóng mặt bằng là công việc phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân vùng dự án và tác động đến vấn đề ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; việc triển khai phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng, đủ quyền lợi của người dân.

Do đó, huyện xác định vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền rất quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án.

Kim Bảng phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh 1

Thực hiện giải phóng mặt bằng.

Thực tế quá trình triển khai giải phóng mặt bằng tại các địa phương trong huyện Kim Bảng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường; nhận thức và ý thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng của nhà nước cũng có nhiều thay đổi qua các thời kỳ.

Để triển khai có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, huyện Kim Bảng đã phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Từ đầu năm đến nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân và hội viên, đoàn viên.

Qua các buổi đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã kịp thời lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án. Đồng thời, cũng là dịp để cán bộ phổ biến các chế độ chính sách áp dụng tại địa phương khi Nhà nước thu hồi đất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Cùng với đó, Kim Bảng đã phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phụ trách hộ quần chúng của đảng viên, phụ trách các địa phương trong vùng dự án thường xuyên theo dõi, trực tiếp đến địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo việc tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp xuống từng thôn, xóm, gặp gỡ từng hộ gia đình để thuyết phục, vận động người dân chấp hành chế độ chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Huyện chỉ đạo đảng bộ các xã, thị trấn đưa nội dung giải phóng mặt bằng vào Nghị quyết hằng tháng của Đảng ủy để lãnh đạo, chỉ đạo; phân công rõ nhiệm vụ cho từng tập thể, cá nhân và kiểm điểm trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Thường trực Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện nghe báo cáo hằng tuần về tiến độ thực hiện các dự án để chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, Kim Bảng đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, trong đó chú trọng công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Kim Bảng phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh 2

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Khả Phong.

Đồng chí Lại Tuyết Lan, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, huyện Kim Bảng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu công việc mỗi cán bộ phải là những người am hiểu pháp luật, thường xuyên, kiên trì tiếp xúc với nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân nhất là những hộ dân tư tưởng chưa thông bằng cách tiếp cận của cán bộ dân vận. Lắng nghe các ý kiến từ nhân dân, nghiên cứu, tháo gỡ từng việc trên nguyên tắc "dễ làm trước, khó làm sau" một cách công khai, minh bạch, dân chủ.

Lắng nghe các ý kiến từ nhân dân, nghiên cứu, tháo gỡ từng việc trên nguyên tắc "dễ làm trước, khó làm sau" một cách công khai, minh bạch, dân chủ.

Đồng chí Lại Tuyết Lan, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Kim Bảng

Cùng với đó, Ban Dân vận huyện Kim Bảng cũng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng; duy trì Tổ giám sát công tác giải phóng mặt bằng. Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác dân vận; đưa nội dung chuyên đề “Hướng dẫn thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng” và “Tuyên truyền chính sách pháp luật về hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng” tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ dân vận, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở.

Bà Phạm Thị Thứ ở thôn Đoài, xã Khả Phong cho biết: "Gia đình tôi phải di chuyển nhà ở về khu tái định cư mới của xã để nhường đất cho dự án. Mới đầu do chưa hiểu rõ về chính sách đền bù của Nhà nước và lợi ích của dự án nên gia đình tôi còn nhiều băn khoăn vì nay phải rời xa ngôi nhà mà cả gia đình đã gắn bó mấy chục năm tôi cũng nuối tiếc bâng khuâng và rất băn khoăn rằng không biết chuyển về nơi ở mới thì cuộc sống sẽ thế nào... sau khi được các cán bộ trong Tổ giám sát Huyện ủy trực tiếp xuống gặp gỡ, động viên, chia sẻ và giải thích gia đình đã “thông” tư tưởng và vui vẻ chấp hành".

Hiểu được tâm lý của người dân khi có đất được nhà nước thu hồi là nghe ngóng tình hình và so sánh các vị trí đất được áp giá đền bù, Tổ giám sát đã vào cuộc tuyên truyền, vận động với phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin”, phần lớn người dân đã hiểu, đồng thuận, không suy tính thiệt hơn sẵn sàng chấp hành và ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ phức tạp, liên quan đến các quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật, có nhiều yếu tố nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, nảy sinh đơn thư.

Xác định được các vấn đề cần tháo gỡ, huyện Kim Bảng đã chỉ đạo các địa phương đang thực hiện giải phóng mặt bằng tổ chức các hội nghị tại thôn có công trình, dự án liên quan, họp chi bộ, các đoàn thể, họp với các hộ dân để nhân dân nắm được chủ trương triển khai thực hiện dự án. Tổ chức hội nghị làm việc trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình, dự án để phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách, kết hợp tuyên truyền vận động.

Chính quyền các xã phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện thực hiện việc đo đạc, thống kê, phân loại, xác định nguồn gốc đất đai, nguồn gốc tài sản, tổ chức kiểm kê tài sản hoa màu và quản lý chắc thực địa. Từ việc triển khai đồng bộ, tuân thủ chặt chẽ quy trình, công khai minh bạch về chủ trương, về các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách, nên cơ bản, nhân dân đồng thuận, hạn chế các tranh chấp phát sinh và đơn thư khiếu kiện.

Từ năm 2017 đến nay, xã Tân Sơn có trên 10 dự án, trung bình mỗi năm xã chuyển đổi khoảng trên 8,3ha đất nông nghiệp, sang sử dụng vào mục đích các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội...

Hiện nay, Tân Sơn đang tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư lớn của tỉnh như, dự án Cầu Tân Lang và tuyến đường kết nối, phạm vi ảnh hưởng khoảng 34ha đất thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, gần 800 hộ dân ảnh hưởng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn chia sẻ: Có một điểm chung, khi mới bắt tay vào triển khai giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân chưa đồng ý với mức giá đền bù của Nhà nước khiến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp còn bị tác động bởi sự xúi giục của các đối tượng xấu nên không hợp tác với chính quyền.

"Chúng tôi đã phát huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền giải thích vận động từng người, từng hộ gia đình, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời công khai, minh bạch các chính sách, trong quá trình tổ chức thực hiện không chủ quan, áp đặt, chỗ nào nhân dân chưa hiểu thì kiên trì giải thích, vận động để tạo sự đồng thuận. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở khu dân cư", ông Nguyễn Văn Chanh nói.

Chúng tôi đã phát huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền giải thích vận động từng người, từng hộ gia đình, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn

Từ đầu năm 2022, đến nay, Kim Bảng đã triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 31 dự án, trong đó, có 3 dự án đã hoàn thành và 28 dự án đang triển khai thực hiện.

UBND huyện đã thực hiện phê duyệt 23 phương án của 13 dự án với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là: 115.823.509.000 đồng; số hộ ảnh hưởng là: 878 hộ; diện tích thu hồi là: 484.125m2. Cơ bản tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đều bảo đảm theo kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại IV.

Giai đoạn 2022-2025, huyện Kim Bảng tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng một số dự án có quy mô đầu tư lớn đó là tuyến đường bộ Song hành tại địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng; Dự án Khu du lịch Tam Chúc đợt 7 tại xã Khả Phong, đợt 8 tại thị trấn Ba Sao, Dự án tuyến đường kết nối Vành đai 4 với đường Vành đai 5...

Chính vì vậy công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đồng thời phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.