Kiên trì trong sáng tạo nghệ thuật, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của các sản phẩm truyền thống

Chiều 9/11, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi gặp mặt hơn 100 nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu trong lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn, các nghệ nhân, thợ giỏi sáng tạo được những sản phẩm đẹp, tinh xảo, có giá trị sử dụng. Mỗi sản phẩm phải là một câu chuyện của đời sống với nhiều cảm xúc. Các nghệ nhân, thợ giỏi cần kiên trì với con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của các sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các nghệ nhân, thợ giỏi bày tỏ tình cảm vinh dự được gặp mặt Chủ tịch nước, được tham gia các hoạt động của Festival, qua đó bày tỏ nguyện vọng của mình trong quá trình lao động, sản xuất. Cùng với sự đổi mới của đất nước, các làng nghề, sản phẩm nghề truyền thống có cơ hội rất lớn để ra với thị trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của từng gia đình các nghệ nhân, thợ giỏi, tạo việc làm ổn định cho nhiều người.

Các ý kiến khẳng định, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã góp phần quan trọng để các làng nghề có cơ hội phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân làng nghề được nâng lên. Các làng nghề truyền thống của Việt Nam muốn tiếp tục phát triển thành công hơn nữa rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ các chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, nhất là trong tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; phát huy các sáng kiến trong lao động, sản xuất; hỗ trợ các nghệ nhân, thợ giỏi tận dụng các nguồn nguyên liệu ở địa phương để sản xuất các sản phẩm truyền thống; phát triển hơn nữa việc truyền nghề, dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.

Kiên trì trong sáng tạo nghệ thuật, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của các sản phẩm truyền thống ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu với các đại biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi gặp mặt, bày tỏ tình cảm trân trọng sự lao động sáng tạo mang tính nghệ thuật của các nghệ nhân, thợ giỏi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong rằng các nghệ nhân tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong cuộc sống, lao động, sáng tạo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, từ sự tinh xảo của đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, những vật liệu thân thiện, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của người Việt đã trở thành các sản phẩm nghệ thuật giá trị, chứa đựng những câu chuyện giàu cảm xúc, phản ánh vẻ đẹp trong lao động và cuộc sống của người Việt Nam. Mỗi sản phẩm của các nghệ nhân có cuộc đời, có số phận, có tình yêu cuộc sống, có chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của lịch sử, hàm chứa sức sống văn hóa mãnh liệt. Đây là điều rất đặc biệt và đáng tự hào.

Vui mừng khi những năm gần đây các lĩnh vực làng nghề phát triển vượt bậc, Chủ tịch nước nêu rõ, qua đó đã tạo cơ hội cho phát triển du lịch, nông thôn, mang lại thu nhập và việc làm cho người dân, góp phần tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống rất tốt đẹp của người Việt Nam. Bên cạnh đó, những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong top 10 các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kiên trì trong sáng tạo nghệ thuật, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của các sản phẩm truyền thống ảnh 2

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước khẳng định, có được thành tựu to lớn đó, trước hết công lao thuộc về các nghệ nhân, thợ giỏi và nhân dân các làng nghề trong cả nước đã có những đóng góp, cống hiến quan trọng. Các nghệ nhân, thợ giỏi được coi là hồn cốt của làng nghề, báu vật sống của địa phương và quốc gia. Các nghệ nhân trong lĩnh vực khác nhau, nhưng đều đam mê, yêu nghề, sáng tạo, có bàn tay khéo léo và tâm hồn của người nghệ sĩ. Để trở thành nghệ nhân, thợ giỏi là cả quá trình nỗ lực khổ luyện bền bỉ trong thực tiễn lao động và cả những giai đoạn thăng trầm trong nghề.

Kiên trì trong sáng tạo nghệ thuật, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của các sản phẩm truyền thống ảnh 3

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN)

Nêu rõ, trong bối cảnh vừa qua, khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều lĩnh vực sản xuất khó khăn, thì ngành thủ công mỹ nghệ cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, các nghệ nhân và làng nghề đã nỗ lực vượt qua, Chủ tịch nước đánh giá cao, biểu dương những cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội mỗi địa phương, đất nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Để tiếp tục phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ phù hợp xu thế, với đặc điểm văn hóa và ngành nghề truyền thống của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng chính sách dành cho nghệ nhân, cơ chế đổi mới sáng tạo trong nghề thủ công, kết hợp làng nghề với du lịch, tiêu chí xét phong tặng nghệ nhân phù hợp; chú trọng truyền nghề; xây dựng thương hiệu… Festival lần này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức là hoạt động thiết thực hỗ trợ cho các làng nghề và nghệ nhân.

Kiên trì trong sáng tạo nghệ thuật, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của các sản phẩm truyền thống ảnh 4

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, xem xét công nhận các nghệ nhân đủ tiêu chuẩn. Đồng thời mong muốn mỗi làng nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi sẽ có đời sống ngày càng khá hơn, để các nghệ nhân, thợ giỏi an tâm lao động, sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị về nghệ thuật và kinh tế.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có quà lưu niệm tặng các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu.