Kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng

Thời gian qua, tình hình tội phạm vẫn có chiều hướng gia tăng với tính chất phức tạp, xuất hiện nhiều hành vi vi phạm mới, trong đó, các vụ án liên quan đến vi phạm các quy định về quản lý kinh tế và tham nhũng có dấu hiệu tăng mạnh, nhiều vụ án về kinh tế bị phát hiện với số tiền đặc biệt lớn, gây rúng động dư luận. Điều này, đòi hỏi các lực lượng chức năng cần có giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” được dư luận đặc biệt quan tâm. (Ảnh PHẠM KIÊN)
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” được dư luận đặc biệt quan tâm. (Ảnh PHẠM KIÊN)

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023 các vụ vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý tăng cao, trong đó số vụ phạm tội về quản lý kinh tế tăng 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 51,63%. Nhiều vụ án lớn về kinh tế đã bị phát hiện như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tại vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, trong vòng 10 năm, từ 2012-2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã “rút ruột” của SCB hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ gốc không thể thu hồi tính đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 677.000 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố các đối tượng liên quan, trong đó có 23 người là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Các đối tượng này bị cáo buộc các tội danh khác nhau, như tội nhận hối lộ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Ban Nội chính Trung ương, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB là điển hình cho sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng làm sân sau cho doanh nghiệp.

Cũng trong thời gian qua, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil). Theo tài liệu điều tra, bước đầu xác định, Công ty Xuyên Việt Oil nợ thuế với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu.

Đến nay, nhiều đối tượng liên quan đến vụ án này đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, trong đó có ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công thương và ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cùng bị điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, thời gian qua, các tòa án đã xét xử hàng trăm vụ án về kinh tế và tham nhũng với số tiền và tài sản vi phạm phải thu hồi rất lớn. Riêng trong năm 2023, các tòa án đã xét xử, tuyên thu hồi tiền và tài sản trị giá 1.859 tỷ đồng đối với 761 bị cáo trong 216 vụ án kinh tế, tham nhũng.

Trong khi đó, việc thu hồi tiền và tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí tại nhiều vụ án mặc dù tòa án đã tuyên nhưng không thể thu hồi tiền và tài sản vi phạm. Theo thống kê, tại thành phố Đà Nẵng, kết quả thi hành án dân sự năm 2023 (tính từ ngày 1-10-2022 đến ngày 30-9-2023) đạt thấp, số tiền có điều kiện thi hành hơn 9,1 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ thi hành xong hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 23,3%.

Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành tại 80 vụ liên quan đến án kinh tế, tham nhũng hơn 4.381 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được hơn 473 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 10,8%.

Với số lượng các vụ án kinh tế, tham nhũng bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua tăng cao cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng được triển khai quyết liệt, rộng khắp và đạt được hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy, các hoạt động tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, mức độ vi phạm nghiêm trọng, tinh vi hơn với số tiền vi phạm ngày càng lớn. Trong đó, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được các cơ quan tố tụng xác định là có số tiền sai phạm lớn nhất từ trước đến nay.

Cũng trong vụ án này, số tiền 5,2 triệu USD mà bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhận của các đối tượng vi phạm là số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.

Bộ Công an cho rằng, nhiệm vụ trong công tác phòng chống tội phạm đang được đặt ra cho các cơ quan chức năng là rất nặng nề, khó khăn, trong đó có công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành, vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa là vấn đề cấp bách trước mắt.

Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, trong đó có các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về quản lý kinh tế, xã hội, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm phương châm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có cơ chế phù hợp để thu hồi tiền và tài sản vi phạm trong các vụ án hiệu quả.

Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác xử lý các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Tiếp tục tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm về kinh tế, tham nhũng để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý; đồng thời tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng chống tội phạm.