Kiên quyết chống gian lận thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMÐT) ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch, mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường rộng lớn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra, phát hiện kho bán hàng giả, hàng lậu thông qua hình thức livestream. (Ảnh QLTT)
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra, phát hiện kho bán hàng giả, hàng lậu thông qua hình thức livestream. (Ảnh QLTT)

Tuy nhiên, đi kèm với sự thuận tiện, dễ dàng, nếu không có các biện pháp quản lý hữu hiệu, chặt chẽ, TMÐT cũng là nơi để các đối tượng lợi dụng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng lậu, gây tổn hại cho nền kinh tế.

Tiềm năng to lớn

Sau một khoảng thời gian phát triển tương đối dài, đến nay loại hình TMÐT ở Việt Nam đã ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống thường ngày, đặc biệt đối với người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Khảo sát của Cục TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố vừa qua cho thấy, năm 2022 doanh thu từ TMÐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của một người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD. Trong Báo cáo nền kinh tế số Ðông Nam Á cũng thể hiện, kinh tế internet của Việt Nam đã đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025, đánh giá là quốc gia phát triển TMÐT nhanh nhất tại khu vực với tốc độ tăng trưởng khoảng 31%.

Bên cạnh đó, theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Ðông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD. Theo đó, sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực TMÐT khi chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Ðặc biệt, trong số 23 tỷ USD kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022, có tới 14 tỷ USD đến từ TMÐT, tăng 26% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD con số này ở lĩnh vực TMÐT là 32 tỷ USD, chiếm tới hơn 65%.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, TMÐT Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu, tiềm năng cho sự phát triển trong tương lai còn rất lớn. Bên cạnh mặt tích cực, sự phát triển của TMÐT cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Mặc dù các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, song tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi trên các trang mạng xã hội, sàn TMÐT với tính chất, quy mô khác nhau.

Kiên quyết chống gian lận thương mại điện tử ảnh 1

Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh HÀ THU)

Tạo động lực cho sự phát triển bền vững

Theo chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường-Bộ Công thương) Nguyễn Ðức Lê, hoạt động TMÐT dựa trên nền tảng công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng dễ dàng ẩn, xóa đi chứng cứ, gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng,… Ngoài ra, việc chứng minh giao dịch là rất khó khăn, phức tạp khi người mua và người bán thường trao đổi qua tin nhắn cá nhân; "chốt đơn" hàng hóa sẽ được vận chuyển qua dịch vụ logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân, gây khó khăn trong tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng.

Riêng trong những tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phối hợp kiểm tra, phát hiện gần 5.000 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; xử phạt hành chính gần 46 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 29 tỷ đồng; trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gần 18 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một nguyên nhân khách quan khiến hoạt động TMÐT đang còn nhiều lỗ hổng bởi đây là loại hình thương mại mới, mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng. Thế nhưng, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT.

Chẳng hạn, theo quy định hiện nay, việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa,... Tuy nhiên, mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng đối với lĩnh vực được giao phụ trách và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý.Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, cho nên có độ trễ nhất định trong việc ra quyết định xử phạt,...

Ðiều này đang đặt ra những yêu cầu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý TMÐT, cũng như sự thay đổi chế tài khi hệ thống pháp luật về TMÐT hiện không theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thị trường. Nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, bản thân nền tảng mua hàng trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín.

Ðể nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt trên môi trường TMÐT, bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình bằng việc tăng cường giám sát, quản lý hệ thống; theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm, cũng như phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Quan trọng hơn, các sàn TMÐT, trang mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Về phía người tiêu dùng hãy luôn chứng tỏ là người tiêu dùng thông thái, nói không với các website, các ứng dụng TMÐT không có thương hiệu; chủ động tìm hiểu, kiểm tra, đối chiếu thông tin hàng hóa trước khi đặt mua trên các sàn TMÐT để bảo vệ chính mình, từ đó góp phần tạo tiền đề cho TMÐT phát triển hiệu quả, bền vững trong tương lai.

Ngày 29/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMÐT đến năm 2025. Ðề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động TMÐT được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.