Kiên Giang: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam

NDO - Kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2023 là dịp các nghệ sĩ thắp nén hương tri ân các vị tổ nghề, những bậc tiền bối đã có công khai mở và truyền dạy bộ môn nghệ thuật sân khấu của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức giỗ tổ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang tổ chức giỗ tổ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.

Chiều 26/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2023.

Theo thông lệ, hằng năm, vào ngày 12/8 âm lịch, những người hoạt động trong ngành sân khấu lại nô nức tổ chức giỗ tổ nghề.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch hằng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày giỗ tổ sân khấu được tổ chức rộng rãi khắp các tỉnh, thành phố.

Ông Lê Văn Em, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang. cho biết, ngoài các nghi thức truyền thống như mọi năm, năm nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang phối hợp tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2023 và tổ chức vinh danh các cá nhân có thành tích nổi bật trong phong trào Đờn ca tài tử địa phương trong năm 2022-2023.

Đây là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu tưởng nhớ công đức tổ nghiệp và thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng thành kính tri ân các vị tổ nghề, những người đã có công sáng lập ra loại hình nghệ thuật sân khấu.

Trước đó, ngày 24/9, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức kỷ niệm Ngày Sân Khấu Việt Nam.

Kiên Giang: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam ảnh 2

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang vinh danh các cá nhân có đóng góp trong phong trào Đờn ca tài tử của huyện, chiều 24/9.

Thông qua đó góp phần động viên đội ngũ văn nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 11 cá nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, có 9 cá nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đờn ca tài tử và 2 cá nhân thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Khmer ở Kiên Giang.

Tỉnh Kiên Giang cũng đang thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2021-2025”.

Đề án sẽ góp phần quan trọng cho công tác duy trì hoạt động, giao lưu đờn ca tài tử tại các thiết chế văn hóa, câu lạc bộ; các đội, nhóm đờn ca tài tử, phù hợp với mục đích, yêu cầu của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đờn ca tài tử trong tình hình mới, từng bước nâng cao chất lượng và phát triển mạnh mẽ phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.