Kiên Giang: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các

NDO - Sáng 5/2, tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tưng bừng diễn ra các hoạt động lễ hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023).
0:00 / 0:00
0:00
Thả giống thủy sản về tự nhiên tại đầm Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Thả giống thủy sản về tự nhiên tại đầm Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Đây là lễ hội được tổ chức hằng năm vào các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng, đúng dịp Ngày thơ Việt Nam và Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên Liêu Khắc Dũng cho biết, Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các là dịp để người dân Hà Tiên, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, du khách tề tựu cùng nhau xướng họa, đề thơ, hòa mình vào không khí tưng bừng của những ngày hội.

Lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh, mang đậm nét đặc sắc của văn hóa dân tộc…

Kiên Giang: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ảnh 1

Du khách xem triển lãm sách tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các.

Những ngày qua, tại công viên Trần Hầu diễn ra hoạt động phố ông đồ và trưng bày hiện vật Hà Tiên xưa và nay có sự tham gia của các ông đồ đến từ các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Tiên.

Tham gia hoạt động này, người dân và khách du lịch được xem 5 gian hàng trưng bày, biểu diễn, tặng chữ thư pháp.

Bảo tàng Kiên Giang trưng bày hàng trăm hiện vật Hà Tiên xưa và nay; 200 tác phẩm ảnh về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Kiên Giang: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ảnh 2

Du khách xem triển lãm ảnh về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Kiên Giang và hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Tại nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, thành phố Hà Tiên tổ chức giao lưu giữa các văn nghệ sĩ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.

Dọc các tuyến đường tại quảng trường Chiêu Anh Các và quảng trường Trần Hầu đã diễn ra nhiều hoạt động đường phố thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách tham gia.

Đến với lễ hội năm nay, du khách tham quan 2 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP và đặc sản như tiêu, tôm khô, khô cá lò tó, mắm ruốc, ba khía, cà xỉu… của thành phố Hà Tiên và 20 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh Kiên Giang.

Ẩm thực đường phố bày bán nhiều món ăn đặc trưng của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Tiên như hải sản nướng, gà đốt, các món gỏi...

Kiên Giang: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ảnh 3

Thắp hương tưởng niệm tại đền thờ Mạc Cửu.

Trên đường phố, những người tham dự lễ hội còn được thưởng thức các điệu nhảy aerobic, trình diễn acoustic, nhạc cụ dân tộc, hòa tấu đàn guitar, organ.

Nằm trong chuỗi các hoạt động lễ hội, sáng 5/2, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên tổ chức thả các giống thủy sản nhằm góp phần tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên tại đầm Đông Hồ. Theo đó, có 2 triệu con tôm giống, 20 nghìn con cua giống, 25kg ghẹ mang trứng và 12 nghìn con cá giống các loại được thả về tự nhiên.

Kiên Giang: Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ảnh 4

Du khách viếng lăng Mạc Cửu.

Dịp này, thành phố Hà Tiên tổ chức đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh Nhà lưu niệm Đông Hồ. Nhà lưu niệm Đông Hồ có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của vùng đất Hà Tiên, là niềm tự hào của người dân Hà Tiên bởi ở đây không chỉ là nơi lưu giữ những hình ảnh, di bút, sách báo về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Đông Hồ, nhà thơ Mộng Tuyết mà từng là nơi nhà thơ Đông Hồ sáng lập “Trí Đức học xá” để truyền dạy chữ quốc ngữ, được xem là trường tư thục đầu tiên dạy chữ quốc ngữ của tỉnh Kiên Giang.

Nhà Lưu niệm Đông Hồ có diện tích 268m2, trưng bày và lưu trữ 1.144 quyển sách; 446 bức tranh, ảnh; 937 tờ báo, tạp chí và 1.485 quyển sách có giá trị của nhiều tác giả. Trong đó, có 231 quyển sách tiếng Pháp và những kỷ vật trong sinh hoạt đời thường của thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết lúc sinh thời.