Chiều 13/6, tin từ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang cho biết, trong thời gian 7 ngày (từ ngày 6 đến 13/6), Đoàn bác sĩ, sinh viên tình nguyện của Trường đại học Mercer gồm 52 người vừa khám, cấp thuốc cho hơn 900 bệnh nhân nghèo; lắp 236 chân giả và 53 tay giả cho người khuyết tật nghèo, với tổng chi phí hơn 4 tỷ đồng.
Ngoài người khuyết tật nghèo ở tỉnh Kiên Giang, còn có bệnh nhân nghèo đến từ các tỉnh: An Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long cũng đến và được khám bệnh miễn phí.
Lắp tay giả cho bệnh nhân nghèo. |
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Hà, Trường đại học Meccer cho biết, trước đây Trường đại học Meccer cũng đã phối hợp Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang thực hiện chương trình này. Khi đó thấy nhiều bệnh nhân bệnh rất nặng về xương và không có điều kiện lắp tay, chân giả nên đoàn rất thương và hứa quay trở lại. Tuy nhiên, vừa qua do dịch Covid-19 nên đoàn không thể đến được.
Dự án trại lắp chân giả Jaipur Foot miễn phí cho người khuyết tật lần đầu tiên được triển khai ở Đắk Lắk
Đây là lần thứ hai, Đoàn quay lại và tiếp tục gắn bó với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang để giúp đỡ những người nghèo bị thương tật.
Ông Trần Thanh Hải, người được các bác sĩ gắn đôi chân giả cho biết, bản thân là cựu binh chiến trường Campuchia; bị mìn nổ cụt chân năm 1987.
Trước đó, ông Trần Thanh Hải cũng được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang vận động phối hợp làm chân giả. Tuy nhiên, chân giả lâu ngày gây khó khăn cho đi lại nên lần này ông đến xin lắp chân mới. Chân mới nhẹ nhàng, đi đứng rất thoải mái.
Bệnh nhân nghèo được lắp chân giả miễn phí. |
Ông Danh Pal, trú huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, cho biết gia cảnh ông thuộc diện khó khăn. Trước đây, ông tham gia chiến trường Campuchia và bị mất một chân. Kể từ đó, mọi sinh hoạt rất khó khăn và ông luôn ao ước có chân giả để đi lại thuận tiện.
“Trước đây tôi có hỏi lắp 1 chiếc chân giả khoảng 8 triệu đồng. Nay có bác sĩ nước ngoài về đây lắp chân giả bằng nhựa dẻo tốt miễn phí nên tôi rất vui. Có chân giả đi lại thuận tiện, tôi có thể làm gì đó tự kiếm tiền sống qua ngày, hoặc phụ tiếp kinh tế gia đình”, ông Danh Pal nói.
Trước đó, năm 2019, Đoàn bác sĩ và sinh viên tình nguyện Trường đại học Meccer cũng đã đến khám bệnh và lắp tay giả cho hơn 789 người ở Kiên Giang; chi phí vật tư, thiết bị y tế do đoàn hỗ trợ thời điểm đó hơn 2,1 tỷ đồng.