Kịch bản Lễ bế mạc SEA Games 31: Hội tụ để tỏa sáng

NDO -

19 giờ 30 phút ngày 23/5, tại Cung điền kinh Hà Nội, Lễ bế mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra bao gồm các nghi thức quan trọng của Đại hội, cùng với đó là các chương trình nghệ thuật đặc sắc của chủ nhà Việt Nam. 

Pháo hoa thắp sáng Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Pháo hoa thắp sáng Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nếu như tiêu chí của Lễ khai mạc là cuốn hút, nhân văn và truyền cảm hứng thì của Lễ bế mạc SEA Games 31 là tạo nên dư âm không thể nào quên với bạn bè quốc tế, cho thấy hình ảnh một đất nước Việt Nam không chỉ dừng lại ở nền văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, mà còn hội nhập sâu rộng với thế giới, với sự phát triển mang xu thế mới và hấp dẫn giới trẻ.

Chương trình được đặt tên “Hội tụ để tỏa sáng - Gather to shine” nhằm tiếp nối sự tỏa sáng sau 12 ngày thi đấu, tinh hoa đã hội tụ về Việt Nam để mang đến cho khu vực Đông Nam Á những sinh khí mới, hơi thở mới của thời đại, của nhịp sống trẻ và sức khỏe vượt qua mọi khó khăn, bệnh dịch. Điều đó thể hiện sức mạnh và tình đoàn kết của Việt Nam với toàn bộ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. 

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia của khoảng 400 nghệ sĩ múa, các nhóm nhảy, ban nhạc trẻ, các nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc, các vận động viên và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn Hà nội. Nội dung chương trình được chia làm 3 chương:

Chương 1 - Hà Nội của tôi, tình yêu của bạn: Thủ đô Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến, luôn có những cách đặc biệt để thể hiện nét thanh lịch của người Tràng An, như sự ấm ấp, hồn hậu và hiếu khách. Với chùm ca khúc về Hà Nội như "Hà Nội đêm trở gió", "Nồng nàn Hà Nội", "Góc Hà Nội", "Tháng 10 Hà Nội" và "Hà Nội niềm tin và hy vọng" trình bày bởi các nghệ sĩ Đông Hùng, Khánh Linh, Bảo Trâm và Phạm Anh Duy, biểu diễn trên nền thực cảnh về cuộc sống thanh bình, qua bàn tay biên đạo của Dương Đình Hải và phối nhạc của Huy Tuấn. 

Chương 2 - Hội tụ: Phần chính của Lễ bế mạc bắt đầu bằng Lễ chào cờ, màn diễu hành của 11 quốc gia, 40 môn thể thao, nhóm trọng tài và tình nguyện viên. Cùng với đó là những hình ảnh ấn tượng nhất trong 12 ngày diễn ra SEA Games 31. Tiếp theo là bài phát biểu tổng kết của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức SEA Games 31; Tuyên bố bế mạc Đại hội của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và nghi thức hạ cờ, tắt đuốc.

Điểm nhấn trong chương này là lễ chuyển giao cờ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cho Campuchia - nước chủ nhà của SEA Games 32 và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng của đất nước chùa Tháp: vũ điệu Apsara - biểu tượng của văn hóa, tâm hồn và bản sắc của người Khmer. Những vòng hoa màu trắng do các vũ công đeo đại diện cho các nước thành viên SEA Games là biểu tượng cho sự cùng chung tay vì hòa bình và phát triển.

Ngay sau đó là lời giã bạn của nước chủ nhà SEA Games 31 - Việt Nam bằng chùm bài hát quan họ - Di sản phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận với những làn điệu "Mời trầu", "Giã bạn", và "Người ơi người ở đừng về" qua phần trình bày của 100 nghệ sĩ dân ca quan họ Bắc Ninh.

Chương 3 - Tỏa sáng: Chương cuối cùng được xây dựng như một Gala âm nhạc, xiếc và thể thao với sự góp mặt của các ca sĩ trẻ hàng đầu của Việt Nam. 

Mở đầu là phần biểu diễn của nhóm LED DANCE 218 (nhóm nhảy vào chung kết Asia's Got Talent), phần biểu diễn kết hợp công nghệ cùng với vũ đạo và tạo hình, nhịp điệu của màn nhảy múa là sự nối tiếp từ truyền thống đến hiện đại. Phần trình diễn được kết thúc bởi sự hiện diện hình ảnh lá cờ của 11 nước tham dự SEA Games 31.

Tiết mục xiếc Tây Nguyên do Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện là một cách tiếp cận mới của nghệ thuật xiếc trong tiết tấu của đời sống hiện đại.

Chùm liên khúc kết gồm các tác phẩm: "Diệu kỳ Việt Nam", "Ngàn ước mơ Việt Nam", "Việt Nam tươi đẹp", "Việt Nam những chuyến đi", "Những trái tim Việt Nam" và "Việt Nam hoà thanh cùng năm châu" do các nghệ sĩ Văn Mai Hương, Uyên Linh, Dương Hoàng Yến và Hà Nhi thể hiện với sự góp mặt của hàng trăm vận động viên dance sports, thể dục và các nhóm nhảy hiện đại tạo nên một bầu không khí sôi động về tinh thần thể thao kết nối thế giới, vượt qua những thách thức của cuộc sống.

Lễ bế mạc diễn ra tại Cung điền kinh Hà Nội, trong đó số lượng ghế sử dụng tại khán đài là hơn 3.000 chỗ. Sân khấu chính có diện tích 611m2, bên cạnh là sân khấu phụ 315m2 và hệ thống kỳ đài. Đây được coi là sân khấu trong nhà lớn nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Riêng hệ thống màn hình LED có diện tích tới 580m2.

Sân khấu được bố cục theo hình chữ V, thể hiện Việt Nam, chiến thắng (victory) và cánh tay ôm trọn cả cộng đồng người dân trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời trở thành biểu tượng chim hòa bình với cánh chim là hai màn hình LED hai bên dang rộng và tung cánh lên bầu trời đầy sao.

SEA Games 31 tại Việt Nam