“SEA Games đối với tôi rất đặc biệt. Tất nhiên, Olympic là đỉnh cao, thế nhưng SEA Games là điều gì đó rất gần gũi với tôi, với quê hương tôi. Tôi có thể đã từng coi thường SEA Games. Nhưng về cuối sự nghiệp, nhìn lại bạn sẽ thấy tầm quan trọng của những kỳ Đại hội thể thao này. Mỗi lần thi đấu, bạn có cơ hội để bước lên đỉnh vinh quang, được khoác lên mình lá cờ Tổ quốc. Vì thế, dù ở cấp độ nào, tôi cũng muốn thể hiện phong độ cao nhất”, trích lời Joseph Schooling - tay bơi huyền thoại đến từ quốc đảo Singapore.
Tuy không được đánh giá cao với thể thao thế giới, nhưng chính Đông Nam Á là cái nôi khai sinh và nuôi dưỡng nhiều ngôi sao đạt đến đẳng cấp thế giới. Chính họ đã khiến cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Điểm chung của tất cả các “siêu sao” ấy là họ đều đã cố gắng “cháy” hết mình khi gánh trên vai sứ mệnh đại diện quốc gia.
Tay bơi số 1 Singapore
Joseph Schooling từng làm nên lịch sử thể thao Singapore khi anh vượt qua thần tượng của chính mình - huyền thoại người Mỹ Michael Phelps để mang về tấm Huy chương Vàng Olympic Rio 2016. Với thành tích 50 giây 39 ở nội dung bơi bướm 100m, giới chuyên môn đã phải ngỡ ngàng với chàng trai châu Á mới chỉ 21 tuổi khi đó.
Tuy nhiên đến với SEA Games 31, tay bơi 26 tuổi đã có một kỳ Đại hội không như mong muốn, kết thúc ngày thi cuối cùng, anh mang về cho Đoàn Thể thao Singapore là 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Đồng. Ở nội dung sở trường là bơi bướm 100m, anh vẫn giành về Huy chương Vàng nhưng thành tích đang có độ xuống là 52 giây 22.
Đối với nhiều vận động viên, thành tích này đã là rất đáng khâm phục. Nhưng với tiêu chuẩn của một Schooling đẳng cấp Olympic, số Huy chương này là thành tích kém nhất của anh kể từ khi tham gia tranh tài tại SEA Games 26 vào năm 2011.
Thành tích của Schooling tại các kỳ SEA Games
SEA Games 30 (2019): 4 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc
SEA Games 29 (2017): 6 Huy chương Vàng
SEA Games 28 (2015): 9 Huy chương Vàng
SEA Games 27 (2013): 6 Huy chương Vàng
SEA Games 26 (2011): 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng
Gian nan giữa cân bằng nghĩa vụ quân sự và tập luyện
Từ tháng 1/2022, Joseph Schooling đã bước vào thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Căn cứ Hải quân Changi. Schooling từng chia sẻ, Đội ngũ Hải quân Singapore luôn tạo điều kiện thuận lợi cho anh để điều chỉnh thời gian nghĩa vụ quân sự phù hợp với tập luyện. Thế nhưng, anh cũng thú nhận, “đây là một lịch trình cực kỳ dày đặc”.
Schooling cho biết: “Nếu bạn có kỷ luật, mục tiêu và thái độ đúng mực, tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được. Thế nhưng, vẫn phải khẳng định rằng, đây là một thử thách rất lớn đối với tôi. Dù là khó khăn vậy, nhưng tôi luôn giữ thái độ tích cực. Lịch trình này cũng cho tôi thời gian để tập trung suy nghĩ về định hướng tương lai”.
Trải qua nhiều tháng cố gắng thích nghi thời gian nghĩa vụ quân sự và tập luyện cho SEA Games 31, tuy nhiên lại không đạt được thành tích mong muốn những ngày qua, Joseph Schooling đã thẳng thắn thừa nhận, những vận động viên giống như anh đang gặp quá nhiều khó khăn và áp lực.
Schooling kêu gọi một “cuộc đối thoại quốc gia” để tìm ra giải pháp. Anh nhấn mạnh điều chỉnh sự kỳ vọng của người hâm mộ đối với những vận động viên đang phải cân bằng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự với tập luyện, thi đấu.
Trả lời truyền thông, Schooling mở lời dưới góc độ bản thân: “Là một vận động viên bơi lội, tôi bị mắc kẹt giữa kỳ vọng của người hâm mộ và những gì làm được trong khả năng, với yêu cầu tuân tủ nghiêm ngặt các giáo trình tập luyện để đạt được phong độ cao nhất”.
Anh nói thêm: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta có một cuộc đối thoại giữa những nhà chức trách, người hâm mộ và vận động viên. Đặt câu hỏi rằng, những vận động viên đang phải đối mặt với những khó khăn gì khi vừa thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa phải tập luyện và thi đấu”. Đây cũng là một vấn đề mà nhiều vận động viên Singapore từng vướng mắc trong quá khứ.
Bơi tiếp hay dừng lại?
Trong giới chuyên môn, đang có rất nhiều đồn đoán về tương lai bơi lội của Schooling. Nhà vô địch Olympic từng chia sẻ với báo giới: “Tôi không còn ở độ tuổi trẻ muốn chứng tỏ bản thân. Dĩ nhiên tôi vẫn muốn giành chiến thắng trên đường đua xanh. Tuy nhiên, tâm thế tôi đã thay đổi. Giờ đây tôi chỉ tận hưởng những quãng thời gian tập luyện, thi đấu với những người đồng đội.
Tôi vô cùng hãnh diện khi được cùng đội tuyển bơi Singapore tham dự SEA Games 31. Đó là điều tôi luôn mơ ước từ những ngày còn bé. Đây còn có thể là kỳ SEA Games cuối cùng của tôi, vì thế nên nó mang ý nghĩa rất đặc biệt”.
Schooling từng cho biết, nếu cứ tiếp diễn lịch trình “dày đặc” của quân đội và đội tuyển bơi lội, anh sẽ không thể tham dự Olympic Paris 2024. Schooling cũng tiết lộ mẹ anh đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn nghỉ thi đấu.
“Bây giờ, câu hỏi được đặt ra là. Liệu tôi có thể tiếp tục tập luyện cho Paris 2024, hay, tôi sẽ dừng lại và xem xét tương lai ngay sau SEA Games 31”, Schooling nói.
Một sự kiện thể thao được chờ đón trong khu vực ngay sau SEA Games 31 là Đại hội Thể thao châu Á (Asiad Hàng Châu 2022). Tuy nhiên, Đại hội dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022 đã bị hoãn vô thời hạn. Schooling bày tỏ thất vọng khi chưa thể sớm tranh tài tại Hàng Châu, một giải đấu quan trọng để anh xác định bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của mình.
Sau đỉnh cao Olympic Rio 2016, Schooling đã gây thất vọng khi bị loại sớm tại Olympic Tokyo 2020. Điều đó khiến anh cân nhắc lại sự nghiệp bơi lội của mình, và Olympic Paris 2024 được xem như cơ hội cuối cùng để anh tìm lại bản thân, hay khép lại một sự nghiệp thể thao đáng nhớ.
Thế nhưng dù có ra sao, bơi tiếp hay dừng lại, Schooling vẫn lạc quan tin rằng: “Giai đoạn này là bước khởi đầu cho tương lai mới. Bơi lội rất tuyệt vời, nó mang lại cho tôi nhiều cơ hội trong cuộc sống”.
"Tôi bơi để xem mình giỏi đến đâu, tôi bơi vì tôi thích những bài học bơi mang lại. Bơi là một chuyện, nhưng bạn là một người như thế nào... Tôi nghĩ điều đó còn quan trọng hơn. Mọi người nhớ về con người bạn, chứ không phải bạn giành được bao nhiêu Huy chương Vàng”, Joseph Schooling nhấn mạnh.