Carom Việt Nam vẫn là vua Đông Nam Á
Không cần phải đến khi “phù thủy” Efren Reyes thừa nhận “cơ thủ carom Việt Nam quá giỏi” và “trình độ đã vượt xa khu vực Đông Nam Á” thì năng lực của những tay cơ nước chủ nhà mới được công nhận rộng rãi. Chỉ tính trong lịch sử SEA Games, nội dung carom luôn là sân chơi thế mạnh của các cơ thủ Việt Nam.
Đã có tổng cộng 10 lần nội dung carom 1 băng và 3 băng được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games. 19 trong 20 lượt xuất hiện ở trận chung kết thuộc về những cơ thủ Việt Nam. Sự áp đảo này dĩ nhiên cho ra thành quả: Cả 10 tấm Huy chương Vàng carom trong lịch sử Đại hội thể thao Đông Nam Á đều thuộc về các tay cơ từ đất nước hình chữ S.
Trình độ của những tay cơ carom Việt Nam đã vượt xa phần còn lại. Điều đó được minh chứng khi cả hai trận chung kết ở nội dung carom tại SEA Games 31 đều là cuộc chơi của những cơ thủ Việt Nam, và họ đều không gặp bất kỳ khó khăn nào từ những đối thủ. Trần Quyết Chiến thậm chí tạo ra trận đấu cách biệt nhất trong lịch sử SEA Games khi đè bẹp cơ thủ Thái Lan, Sompol Saetang, với tỷ số 40-1 ở bán kết nội dung carom 3 băng.
Trong thể thao nói chung và SEA Games nói riêng, sự thống trị tới mức tuyệt đối kiểu này thông thường gắn liền với những vận động viên nhất định. Triyaningsih huyền thoại của Indonesia từng biến đường đua điền kinh nữ nội dung 5.000m và 10.000m tại SEA Games là cuộc chơi của riêng mình từ SEA Games 2007 đến 2015. Hay Nguyễn Thị Ánh Viên trong giai đoạn đỉnh cao cứ lao mình xuống nước là gặt vàng trên bục vinh quang ở môn bơi.
Tuy nhiên, nhân tài carom ở Việt Nam nhiều tới mức 10 tấm Huy chương Vàng carom trong lịch sử SEA Games thuộc về tới 9 cơ thủ khác nhau. Khi “Vua cơ điên” Ngô Đình Nại không thể thi đấu SEA Games, carom Việt Nam tìm ra ngay Nguyễn Trần Thanh Tự lấp vào khoảng trống ở carom 1 băng. Khi chủ nhân tấm Huy chương Vàng SEA Games 2011 - Nguyễn Quốc Nguyện không thi đấu tại SEA Games 31, billiards Việt Nam có ngay cơ thủ Top 3 thế giới - Trần Quyết Chiến hoàn thành nhiệm vụ quốc gia.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển billiards và snooker Việt Nam Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh nhân tài ở nội dung carom “không bao giờ là vấn đề”. Người này bỏ là lập tức có người khác lên thế chỗ.
Những nuối tiếc đọng lại
Dẫu Carom là nội dung cơ thủ Việt Nam vô đối trong khu vực, nhưng công bằng mà nói, đây không phải biểu tượng của bộ môn billiards & snooker trên toàn thế giới. Lượng người chơi và theo đuổi thi đấu đỉnh cao môn pool nhiều hơn phần còn lại. Ở Việt Nam cũng vậy. Chúng ta chưa có sự đầu tư tương xứng, và vì thế không có được thành quả đáng kể.
Tại SEA Games 31, cơ thủ Nguyễn Bích Trâm không được đặt nhiều kỳ vọng khi chạm mặt Top 1 thế giới Chezka Centeno (Philippines) ngay tại vòng tứ kết nội dung pool 9 bi nữ. Song Bích Trâm đã tạo ra cú sốc khi quật ngã Centeno với tỷ số 7-6. Khi hy vọng tăng cao nhất, Trâm lại đột ngột cóng tay và thất bại 2-7 trước đối thủ được xem là vừa tầm Tan Hui Ming (Singapore) ở bán kết.
Ngoài Bích Trâm, những cơ thủ pool khác của Việt Nam như Dương Quốc Hoàng, Đặng Thành Kiên hay Đỗ Thế Kiên cũng không thể tạo ra bất ngờ trên sân nhà. Việc thiếu cọ xát thường xuyên là một trong những lý do khiến các cơ thủ pool của Việt Nam dù rất tài năng nhưng chưa thể vượt ngưỡng để lên tầm quốc tế.
Huấn luyện viên Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Cơ thủ pool tại Việt Nam nhiều và rất giỏi, nhưng nội dung được đầu tư là carom vì có thể tạo ra huy chương và thành tích. Dù giỏi, nhưng các cơ thủ pool chỉ đánh với nhau nên khó có thể tiến bộ được”.
Việc bảo đảm nguồn thu nhập cũng là một vấn đề nan giải khác. Theo chia sẻ của huấn luyện viên Văn Hòa, Bích Trâm trên thực tế đã suýt không tham dự SEA Games vì bận điều hành công việc kinh doanh riêng. Phải tới một tuần trước khi Đại hội bắt đầu, Trâm mới tập trung và tập luyện đầy đủ. Dù vậy, Trâm vẫn đánh bại được tay cơ Top 1 thế giới. Không ai có thể khẳng định, nếu nguồn thu nhập từ billiards được bảo đảm để có thể chuyên tâm tập luyện, liệu Trâm có khả năng tạo ra điều kỳ diệu tới mức nào?
Tại SEA Games 2019 trên thánh địa của pool - Philippines, cơ thủ Đỗ Thế Kiên từng giành cú đúp Huy chương Bạc sau khi thất bại trong các trận chung kết pool 9 bi và 10 bi. Trước đó tại SEA Games 2017, Dương Quốc Hoàng cũng vào tới trận chung kết và chỉ chịu thua Carlo Biado cực mạnh. Trước đó nữa vào năm 2009, Đỗ Hoàng Quân, Lương Chí Dũng và Nguyễn Phúc Long từng mang về Huy chương Vàng cho thể thao Việt Nam ở nội dung pool 9 bi đơn và đôi nam.
Năng lực là điều các tay cơ pool Việt Nam không thiếu, nhưng việc không được đầu tư để thi đấu cọ xát với những tay cơ hàng đầu khu vực đã khiến billiards Việt Nam chưa thể thoát khỏi “vùng an toàn” carom. Và đây là điều cần thay đổi.
Những khán đài đầy ắp người hâm mộ theo dõi billiards tại nhà thi đấu Hà Đông là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt của Việt Nam với bộ môn này. Nếu có được sự quan tâm và đầu tư đúng mức, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành cường quốc ở cả hai nội dung vô cùng hấp dẫn này.