Khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở Lai Châu

Năm học 2024-2025 đã qua gần nửa chặng đường, song tại các địa phương của tỉnh Lai Châu vẫn đang còn thiếu hàng trăm giáo viên. Mặc dù các địa phương đã chủ động tổ chức thi tuyển, nhưng do không có nguồn tuyển nên ở nhiều bộ môn, giáo viên vẫn đang phải kiêm nhiệm trong việc đứng lớp.
0:00 / 0:00
0:00
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Lai Châu thiếu hàng trăm giáo viên ở tất cả các bậc học.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Lai Châu thiếu hàng trăm giáo viên ở tất cả các bậc học.

Cô Trần Thị Hồng là giáo viên Tin học thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Xô Lin, xã Phăng Xô Lin huyện vùng cao Sìn Hồ. Do thực trạng thiếu giáo viên bộ môn nên năm học 2023-2024 cô Hồng vừa phải dạy tăng tiết ở đơn vị trường mình vừa phải di chuyển đến dạy kiêm nhiệm tại Trường Tiểu học xã Tả Phìn cạnh đó.

Cô Hồng cho biết, bản thân được đào tạo ở bậc Trung học cơ sở nên khi kiêm nhiệm ở bậc Tiểu học cô phải tự học hỏi và tìm hiểu để soạn giáo án cho phù hợp với lứa tuổi và trình độ của các em, việc này đòi hỏi thời gian dành cho công việc cũng nhiều hơn.

Bước sang năm học 2024-2025, mặc dù giáo viên bộ môn Tin học của huyện còn thiếu, nhưng do đang nuôi con nhỏ nên cô Hồng được ưu tiên, không phải dạy kiêm nhiệm. Việc không phải di chuyển đi lại giữa các trường để giảng dạy cũng giúp cô Hồng bớt vất vả và có thời gian hơn dành cho gia đình. Tuy nhiên, thiếu giáo viên là cái khó chung của ngành nên gánh nặng kiêm nhiệm tăng giờ, tăng tiết mà cô vẫn gánh vốn không mất đi mà chỉ chuyển từ vị trí của cô sang vai của người khác.

Khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở Lai Châu ảnh 2

Cô Trần Thị Hồng là giáo viên Tin học bậc Trung học cơ sở xã Phăng Xô Lin từng phải kiêm nhiệm cả lớp tin học của Tiểu học do thiếu giáo viên.

Vì lý do đó nên dù đã nhẹ gánh trách nhiệm, nhưng cô Hồng cho biết bản thân cô vẫn mong muốn các cấp, ngành xem xét cơ chế ưu tiên đặc thù trong tuyển dụng, bố trí giáo viên; nhất là giáo viên bộ môn Tin học, để những giáo viên như cô không phải gánh quá nhiều vai, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

Theo ông Phạm Văn Phôi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, năm học 2024-2025 này, huyện còn thiếu 185 giáo viên, chủ yếu thiếu giáo viên bộ môn Tin học và tiếng Anh. Hằng năm huyện vẫn có kế hoạch tuyển dụng bổ sung, những do nguồn tuyển không có nên thiếu vẫn thiếu.

Đơn cử như năm học 2023-2024, huyện Sìn Hồ thiếu hàng chục chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được có hai giáo viên bộ môn tiếng Anh. Tuy nhiên một người trong đó thấy khó khăn quá nên bỏ không đến nhận công tác. Hay như mới đây, huyện có tổ chức thi tuyển giáo viên với tổng số chỉ tiêu cần tuyển dụng là 130 giáo viên. Tuy nhiên chỉ tuyển mới được 34 giáo viên, trong đó hệ Tiểu học thiếu 9 chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh chỉ tuyển được 1 trường hợp duy nhất. Lý do là do không có ứng viên thi tuyển, hoặc ứng viên đã nộp hồ sơ nhưng thấy địa bàn khó khăn nên bỏ không tham gia thi tuyển.

Khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở Lai Châu ảnh 3

Tin học, tiếng Anh là những bộ môn thiếu nhiều giáo viên nhất ở Lai Châu hiện nay.

Để giải quyết vấn đề khó khăn do thiếu giáo viên, ngoài việc tuyển mới, huyện Sìn Hồ đã đăng ký đào tạo văn bằng 2 sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, Tin học cho 12 trường hợp. Đồng thời đặt hàng đào tạo theo địa chỉ cho 8 trường hợp giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên con số này là quá ít so số lượng giáo viên đang thiếu của toàn huyện.

Cũng như Sìn Hồ, năm học 2024-2025 này huyện Mường Tè cũng thiếu 90 giáo viên ở tất cả các bậc học. Đầu năm học mới để giải quyết vấn đề tạm thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Huyện tuyển dụng hợp đồng với 15 giáo viên, đồng thời tổ chức thi tuyển giáo viên mới cho năm học.

Tổng nhu cầu theo chỉ tiêu tuyển của huyện là 79 chỉ tiêu nhưng chỉ có 49 ứng viên nộp hồ sơ ứng tuyển. Đến khi thi chỉ còn 41 ứng viên đến tham gia thi tuyển ở 27 vị trí. Như vậy dù tất cả 41 ứng viên nộp hồ sơ có đạt điểm trúng tuyển thì số lượng tuyển dụng được theo vị trí cũng chỉ là 27 trường hợp (trong 41 hồ sơ ứng tuyển có cả 15 trường hợp đã ký hợp đồng trước đó như đã nêu ở trên).

Theo ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, việc tổ chức thi tuyển nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Tuy nhiên nguồn tuyển không có hoặc có nhưng bỏ thi. Đơn cử như hệ tiểu học, chỉ tiêu tuyển 4 giáo viên tiếng Anh, Tin học thì có 1 hồ sơ nộp, đến hôm thì thì ứng viên cũng bỏ không đến dự thi. Hay như môn toán hệ Trung học cơ sở, chỉ tiêu tuyển dụng là 15 nhưng chỉ có một trường hợp dự tuyển; môn văn của hệ Trung học cơ sở cũng vậy, chỉ tiêu tuyển là 12 trường hợp, có 5 trường hợp nộp hồ sơ nhưng chỉ có 4 ứng viên đến dự thi. Trong 4 ứng viên dự thi đó thì có đến 3 ứng viên dự thi vào cũng một vị trí tại một trường nên dù điểm của các ứng viên có đạt thì cũng chỉ tuyển được một vị trí…

Khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở Lai Châu ảnh 4

Giáo viên các bộ môn như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật cũng khó tuyển đầu vào.

Để giải quyết vấn đề khó khăn do thiếu giáo viên dù đã tổ chức thi tuyển, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè đã chỉ đạo các trường chủ động bố trí sắp xếp giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết. Ở những địa bàn thuận lợi, khoảng cách gần hay ở cùng một xã, chủ động tăng cường giáo viên từ các trường đủ sang dạy kiêm nhiệm ở các trường thiếu, các trường thiếu ít sang các trường thiếu nhiều, từ hệ Trung học cơ sở kiêm nhiện xuống hệ tiểu học đối với một số môn chuyên ngành, dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến…

Cũng theo ông Sơn, dạy tăng giờ, tăng tiết, kiêm nhiệm chỉ là giải pháp tạm thời để bảo đảm chương trình học cho học sinh. Về lâu dài vẫn phải có chế độ chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo giáo viên tại chỗ. Hiện huyện đã xét duyền hồ sơ cho 7 trường hợp đi học văn bằng 2 về sư phạm; ngoài ra tại huyện có 9 hồ sơ xin đi học cử tuyển sư phạm để về phục vụ địa phương, nhưng khi xét duyệt cả 9 hồ sơ đều không bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Do đó việc đào tạo theo địa chỉ của huyện cũng không thực hiện được.

Không chỉ Sìn Hồ, Mường Tè; những khó khăn trên là thực trạng chung của ngành giáo dục của Lai Châu hiện tại. Theo số liệu thống kê, đầu năm học 2024-2025 toàn tỉnh Lai Châu thiếu gần 1.000 giáo viên ở các bậc học. Trong đó thiếu nhiều nhất ở các bộ môn như tiếng Anh, Tin học và giáo viên ở bậc Trung học cơ sở.

Khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở Lai Châu ảnh 5

Chỉ tiêu thi tuyển mới giáo viên ở các địa của Lai Châu khá lớn nhưng nguồn tuyển dụng mới lại không đủ.

Bà Hoàng Thu Phương, Phó Giám Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, tính đến hết tháng 10/2024, các địa phương như Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Tân Uyên đã tổ chức thi tuyển giáo viên. Song số lượng giáo viên tuyển mới chỉ được hơn 150 trường hợp, số lượng giáo viên còn thiếu theo biên chế được giao toàn ngành vẫn còn thiếu hơn 800 người. Hiện các địa phương như thành phố Lai Châu, Than Uyên chưa có kế hoạch tuyển mới, riêng huyện Tam Đường thì đang trong quá trình tiếp nhận hồ sơ chờ thi tuyển những số lượng cũng không mấy khả quan.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục Lai Châu cũng đưa ra các giải pháp cho các nhà trường dậy tăng giờ, tăng tiết, kiêm nhiệm… Về lâu dài việc tiếp tục tổ chức thi tuyển giáo viên mới hàng năm vẫn sẽ tiếp tục được triển khai.

Ngoài ra năm 2024 này, ngành Giáo dục cũng đã phối hợp tuyển sinh với các cơ sở đào tạo được 26 sinh viên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật. Đồng thời phối hợp Đại học Thái Nguyên tuyển sinh được 35 chỉ tiêu đào tạo đại học sư phạm tiếng Anh hệ vừa học vừa làm; 23 chỉ tiêu đào tạo đại học sư phạm Tin học hệ vừa học vừa làm. Phối hợp Trung tâm Giáo dục Thường xuyên-Hướng nghiệp Lai Châu đào tạo văn bằng 2 sư phạm tiếng Anh, Tin học với số lượng hồ sơ đăng ký là 74 trường hợp.

Trong khi nguồn tuyển mới đầu vào không đủ, nguồn đào tạo theo địa chỉ thiếu, một bộ phận giáo viên ở các địa phương đã ra khỏi diện tình trạng đặc biệt khó khăn không còn các chế độ thu hút, đãi ngộ xin chuyển vùng nghỉ việc… Do đó, dù tất cả số lượng các chỉ tiêu gửi đi đào tạo, học văn bằng 2… như đã nêu trên nếu có hoàn thành đào tạo, về phục vụ địa phương thì số lượng giáo viên còn thiếu của Lai Châu vẫn ở con số hàng trăm; do đó hiện vẫn chưa có lời giải nào dứt điểm cho vấn đề trên.