Thái Nguyên đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI

NDO - Nắm bắt xu hướng, nhu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm làm cho môi trường đầu tư hấp dẫn, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành về công nghiệp bán dẫn của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.
Giờ thực hành về công nghiệp bán dẫn của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có hơn 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD, trong đó có khoảng 70% dự án thuộc các ngành sản xuất công nghệ cao, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đứng thứ 4 cả nước.

Phát triển công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, mà còn tạo ra việc làm rất lớn cho lao động địa phương.

Thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, có chính sách thu hút đầu tư hiệu quả đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5/2023 và triển khai đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên. Đây là dự án mở rộng đầu tư tăng thêm 920 triệu USD của Samsung tại Thái Nguyên.

Trong Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên hàng đầu, được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, cạnh tranh ưu đãi đầu tư.

Làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng thể hiện sự quan tâm lớn đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đề nghị Đại sứ giới thiệu một số chuyên gia, công ty và tăng cường hợp tác, hỗ trợ Đại học Thái Nguyên đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Tỉnh Thái Nguyên đã sớm phối hợp với Đại học Thái Nguyên đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn, năm học 2024-2025, 3 trường đại học trực thuộc Đại học Thái Nguyên tuyển gần 130 sinh viên để đào tạo kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, việc phối hợp với tỉnh Thái Nguyên để đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là phù hợp với xu thế, là định hướng đào tạo trong những năm tiếp theo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Thái Nguyên đang tiếp tục hợp tác với các đối tác là trường đại học uy tín, danh tiếng và công ty nước ngoài; tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên thực hành, thực tập để có kiến thức và tăng cường khả năng thực tế trong các lĩnh vực bán dẫn.

Ngày 15/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Cùng với việc sớm phối hợp với Đại học Thái Nguyên đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, Kế hoạch số 210/KH-UBND của tỉnh thể hiện nỗ lực, chủ động của tỉnh trong việc triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; coi dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất mới. Thái Nguyên là tỉnh đi tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bằng chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển”.

Kế hoạch số 210/KH-UBND về đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đề ra nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên đào tạo 2.000 người có trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI ở trong nước và nước ngoài; trong đó, khoảng 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đào tạo 500 người có trình độ cao đẳng; trong đó có khoảng 300 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 200 người học các ngành, nghề lĩnh vực lĩnh vực công nghệ thông tin, AI. Đào tạo hơn 2.000 người học trình độ trung cấp; trong đó có khoảng 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ lĩnh vực công nghệ thông tin, AI.

Cùng với thu hút chuyên gia, nguồn nhân lực này sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo; thực hiện các khâu đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm quan trọng phát triển sản xuất công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của vùng và cả nước vào năm 2030.