Khuyến khích phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học

NDO - Sáng 26/4, tại Trường đại học Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trường đại học Giao thông vận tải tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo các thầy, cô giáo và sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải tham gia sự kiện.
Đông đảo các thầy, cô giáo và sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải tham gia sự kiện.

Sự kiện là chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm đưa sở hữu trí tuệ đến gần với công chúng Thủ đô, nhất là với các sinh viên, giúp họ nâng cao nhận thức về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm được tạo ra từ đổi mới sáng tạo trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ năm 2024 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững. Trước tình hình toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, xung đột chính trị, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, thiếu năng lượng,... việc phát triển bền vững ngày càng trở thành vấn đề cấp bách của toàn thế giới.

Vì vậy, thông điệp “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo” thật sự có ý nghĩa. Đây là cơ hội để chúng ta khuyến khích và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ để cải thiện cuộc sống, bảo đảm nguồn nước sạch, bảo đảm an ninh lương thực, phát triển năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải để hướng tới giao thông bền vững...

Khuyến khích phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học ảnh 1

Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ phát biểu tại sự kiện.

Với các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa, ngành công nghiệp sáng tạo đã và đang tạo ra nhiều việc làm mới, nhiều cơ hội học tập và phát triển hơn cho các bạn trẻ.

Sức mạnh của khoa học và công nghệ đang làm thay đổi một cách mạnh mẽ đời sống kinh tế-xã hội của nhân loại, chính vì vậy, với thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024, mong rằng khoa học, công nghệ và hữu trí tuệ sẽ nhận được sự quan tâm lớn hơn nữa để tạo nên một tương lai chung thịnh vượng và bền vững cho đất nước.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết, năm 2023, Hà Nội đã đạt vị trí dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo với điểm số cao nhất 3/7 trụ cột, 14/52 chỉ số thành phần.

Kết quả đó có phần đóng góp quan trọng từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thủ đô, đặc biệt đến từ sự năng động, sáng tạo của các bạn sinh viên trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mong rằng, thông qua sự kiện ngày hôm nay, các bạn sinh viên có thêm những kiến thức bổ ích về sở hữu trí tuệ để hỗ trợ cho quá trình lao động, học tập, sáng tạo hướng tới một tương lai chung.

Trong khuôn khổ sự kiện, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả tổ chức hội thảo với chủ đề: "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải".

Khuyến khích phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học ảnh 2

Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Đức, Phó Hiệu trưởng Trường đại Giao thông vận tải, cho biết, để thúc đẩy việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, đúng quy định, Nhà trường đã có những chính sách khuyến khích sự phát triển của hoạt động sở hữu trí tuệ, thông qua việc hỗ trợ kinh phí xây dựng hồ sơ sở hữu trí tuệ, cử cán bộ tư vấn hỗ trợ cho việc xây dựng hồ sơ sở hữu trí tuệ, có chính sách khen thưởng, động viên.

Kết quả cho thấy, các công bố quốc tế đã tăng nhanh. Gần đây nhất, giải pháp "Công nghệ sử dụng phế thải nhựa sản xuất bê-tông nhựa tại trạm cho lợi ích kép tăng khả năng kháng lún vệt bánh xe và giảm ô nhiễm môi trường" đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đoạt Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và được ứng dụng rộng rãi, đem lại lợi ích thiết thực cho ngành giao thông vận tải.

Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động, vẫn thấy "vướng" về việc bảo vệ quyền sở hữu đối với các sản phẩm khoa học, việc xác lập tài sản trí tuệ như thế nào, quản lý, quản trị ra sao, việc khai thác, sử dụng các tác phẩm vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học như thế nào để bảo đảm các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ.

Các chuyên gia về sở hữu trí tuệ đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như tư vấn cho các nhà khoa học, sinh viên bảo vệ thành quả sáng tạo của mình, các thủ tục liên quan đăng ký sáng chế…