"Kích hoạt" nhiều dự án lớn
Ðược đánh giá là địa phương có nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện với các vùng phụ cận, môi trường đầu tư thông thoáng, những năm gần đây, tỉnh Hà Nam luôn nằm trong nhóm những tỉnh, thành phố thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Nam Ðịnh, nhiều năm trước, do vị trí địa lý, giao thông không thuận lợi như các địa phương lân cận, tỉnh bị coi là địa phương kém hấp dẫn về môi trường đầu tư. Thế nhưng đến nay, thực trạng này đã thay đổi hoàn toàn.
Thống kê 10 tháng năm 2024, tỉnh Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 61 dự án (gồm 32 dự án đầu tư trong nước, 29 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký hơn 7.212 tỷ đồng và gần 229 triệu USD.
Khởi công nhà máy thực phẩm Pesico Việt Nam tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: ĐÀO PHƯƠNG |
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, như Tập đoàn Quanta Computer Inc của Ðài Loan (Trung Quốc); Tập đoàn Toray (Nhật Bản); Tập đoàn Sembcorp (Singapore),...
Còn Thái Bình, với các cơ chế ưu đãi rộng mở, thời gian gần đây đã được "xếp hạng" là địa phương thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Ðồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh đã chủ động cắt giảm 40% thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và cho doanh nghiệp. Năm 2023, thu hút FDI của tỉnh đạt hơn 2,9 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần năm 2022, giúp tỉnh lọt vào tốp 5 tỉnh, thành phố thu hút FDI lớn nhất cả nước. Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh phấn đấu đến hết tháng 12 năm nay, thu hút vốn FDI đạt khoảng 1 tỷ USD.
Trong đó, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) là địa phương có nhiều dự án tầm cỡ, tạo tính lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng.
Công nhân làm việc trong Nhà máy dệt nhuộm TOP TEXTILES tại Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG |
Theo đồng chí Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà, riêng trong tháng 10/2024, huyện đã "kích hoạt" một loạt dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, gồm: Khởi công Nhà máy dầu thực vật Thái Bình, động thổ Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Duyên Hải, tôn tạo Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn, khánh thành, vận hành Khu xử lý rác thải sinh hoạt Thái Hưng,...
Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Hà Nam cũng có nhiều đổi mới. Trong năm 2024, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Theo thống kê, tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô tổng diện tích gần 3.000 ha, trong đó có 8 khu công nghiệp đang hoạt động. Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh đã thu hút 71 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư 52 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 497,5 triệu USD (tăng 26%) và 11.260,8 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ năm trước).
Công ty Toyota Gosei (Nhật Bản) đầu tư nhà máy sản xuất vô-lăng ô-tô tại khu công nghiệp Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Ảnh: MAI TÚ |
Lũy kế đến nay, trên địa bàn Hà Nam có 1.242 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 405 dự án FDI và 837 dự án trong nước với vốn đăng ký gần 6.555 triệu USD và hơn 180.690 tỷ đồng.
Riêng các khu công nghiệp có 611 dự án, trong đó 360 dự án FDI và 251 dự án trong nước với vốn đăng ký 6.249 triệu USD và hơn 50.463 tỷ đồng. Ngoài các khu công nghiệp có 631 dự án, trong đó có 45 dự án FDI và 586 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký gần 306 triệu USD và hơn 130.227 tỷ đồng.
Mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế, so với các tiểu vùng kinh tế khác trong cả nước, thu hút vốn đầu tư thực tế của 3 tỉnh nam Ðồng bằng sông Hồng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chính vì thế, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của 3 địa phương đã thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ việc thu hút đầu tư, tạo động lực đưa kinh tế-xã hội các tỉnh ngày càng phát triển.
Một đoàn công tác tham quan dây chuyền sản xuất và lắp ráp laptop Dell tại Nhà máy Wistron Infocom tại Khu công nghiệp Ðồng Văn, tỉnh Hà Nam. Ảnh: ÐÀO PHƯƠNG |
Đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư
Ðồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Ðịnh cho biết: Với tinh thần "quyết tâm, quyết liệt, quyết làm", tỉnh đã thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, không chờ đợi nhà đầu tư đến, mà chủ động quảng bá và mời gọi nhà đầu tư; tranh thủ mọi cơ hội, thông qua các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh Nam Ðịnh đã ra sức quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, định hướng phát triển, các ưu đãi của tỉnh trong thu hút đầu tư; đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư; triển khai Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2021-2030. Hằng năm, tỉnh rà soát, đánh giá toàn diện bộ Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) làm cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục cho năm tiếp theo.
Dây chuyền sản xuất bánh kẹo hiện đại của Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ảnh: MAI TÚ |
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cơ sở chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút đầu tư. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ những vấn đề vướng mắc trong thời gian sớm nhất trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của tỉnh.
Ðã có những "kỷ lục" về tốc độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ở Nam Ðịnh, như dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính cho Tập đoàn Quanta Computer Inc của Ðài Loan (Trung Quốc) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ sau 1,5 ngày kể từ khi nhà đầu tư có văn bản đề nghị; sáu ngày sau được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và sau 20 ngày ký kết thỏa thuận phát triển dự án.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quanta Computer Inc Vu Quốc Phong cho biết: Nhờ sự hỗ trợ rất tích cực từ các cấp chính quyền, ngành chức năng, chỉ sau 16 tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, Tập đoàn đã chính thức xuất 2 lô hàng mẫu máy tính xách tay từ nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (thành phố Nam Ðịnh) để cung ứng cho bạn hàng.
Ngoài đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, các tỉnh vùng nam Ðồng bằng sông Hồng còn tập trung đầu tư tạo đột phá về hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, thu hút doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Nam Ðịnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến đường giao thông huyết mạch, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và quốc gia.
Ðơn cử như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Nam Ðịnh; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); tuyến đường bộ mới Nam Ðịnh-Lạc Quần-Ðường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484),… Thời điểm hiện nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện đầu tư, thiết lập được hệ thống hạ tầng giao thông của 3 trong số 5 hành lang kinh tế theo Quy hoạch tỉnh Nam Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đường bộ ven biển đoạn thuộc địa phận huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định mới được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi kết nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh ven biển. Ảnh: VIẾT DƯ |
Hạ tầng công nghiệp được các tỉnh chú trọng đầu tư, sẵn sàng cung ứng cho các doanh nghiệp. Tỉnh Hà Nam đã rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ hậu cần; ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối, thông suốt; hệ thống hạ tầng cấp điện, viễn thông và cấp, thoát nước đến chân hàng rào nhà máy, đáp ứng đầy đủ, ổn định nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Còn tỉnh Nam Ðịnh cũng đang triển khai hàng loạt khu, cụm công nghiệp như: Khu công nghiệp Dệt may Rạng Ðông (huyện Nghĩa Hưng) quy mô hơn 500 ha; Khu công nghiệp Mỹ Thuận (thành phố Nam Ðịnh) 159 ha,… Ðến nay, tỉnh đã có 6 khu công nghiệp và 24 cụm công nghiệp; dự kiến đến năm 2030 có 16 khu công nghiệp được hình thành với tổng diện tích khoảng 2.546 ha và 70 cụm công nghiệp (hơn 2.600 ha).
Ðồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nêu rõ: Mỗi cán bộ, công chức các sở, ngành, đơn vị của tỉnh được yêu cầu vận dụng linh hoạt, sáng tạo ở mức cao nhất các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết công việc; rà soát lại thủ tục hành chính, trên cơ sở đó điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh Thái Bình sẽ công khai, minh bạch thời gian, thủ tục, trình tự và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan chủ trì trong quá trình giải quyết các thủ tục đầu tư,...