Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng nhanh và bền vững

NDO - Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ tư. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ tư. (Ảnh: Trần Hải)

Cùng dự, có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Vùng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng 6 tháng đạt tốc độ 7,21%, và cao hơn bình quân chung cả nước 6,42%, đứng sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc (7,64%), vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung (7,35%); tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 521,059 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách nhà nước; giá trị xuất khẩu đạt trên 80,04 tỷ USD, đứng thứ nhất cả nước, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước (227,5 tỷ USD).

Vùng đồng bằng sông Hồng có 29.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (chiếm 31% cả nước) và 14.319 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (chiếm 32% cả nước), tăng 3,39% so với cùng kỳ năm 2023 về thành lập mới và 6,87% về số quay lại so với cùng kỳ, chỉ đứng thứ 2 cả nước sau vùng Đông Nam Bộ.

Vùng đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước về số vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký cấp mới tính đến hết ngày 20/7/2024 là 5.787 triệu USD với 645 dự án cấp mới, trong đó, Bắc Ninh đứng thứ hai cả nước với số vốn đăng ký cấp mới 1.443 triệu USD với 259 dự án

Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng nhanh và bền vững ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Tính đến nay, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch tỉnh của 10/11 địa phương thuộc Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, riêng Quy hoạch Hà Nội đã báo cáo Quốc Hội cho ý kiến và đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt. Giải ngân đầu tư công 7 tháng: Vùng đồng bằng sông Hồng giải ngân 7 tháng đạt 55.757 tỷ đồng, cao nhất cả nước, đạt 31,08% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tăng số tuyệt đối là 1.781 tỷ đồng so với cùng kỳ, một số địa phương giải ngân cao như Nam Định 78,37%; Thái Bình 45,78%; Vĩnh Phúc 38,4%; Hà Nam 38,3%.

Các bộ, ngành và địa phương trong vùng đang tích cực triển khai các dự án hạ tầng lớn của Vùng như: Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng; Dự án tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Dự án đầu tư xây dựng các bến container tại thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Khu bến cảng Lạch Huyện (bến số 3, 4, 5, 6); đã hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; đã vận hành đoạn trên cao Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng đã trình bày các kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, phát triển kinh tế-xã hội Vùng và các địa phương nhanh, bền vững. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành cũng đóng góp nhiều ý kiến cho sự phát triển của Vùng.

Coi con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực của sự phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội tích của vùng đồng bằng sông Hồng có được là nhờ quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của Vùng, đóng góp vào thành tích chung của cả nước.

Về quan điểm, yêu cầu triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng yêu cầu: quán triệt và triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Rà soát lại các mục tiêu đã hoàn thành, khó hoàn thành; tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, xác định trọng tâm, trọng điểm, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện hiệu quả. Coi con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực của sự phát triển. Triển khai Quy hoạch và phát triển Vùng phải đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng nhanh và bền vững ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ tư. (Ảnh: Trần Hải)

Tuân thủ nghiêm và triển khai đồng bộ quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương. Phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể; tổ chức thực hiện quy hoạch khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; quan tâm hai nội dung: Bất luận trong trường hợp nào cũng phải bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân, không để tăng giá; bảo đảm năng lượng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đối với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phát triển kinh tế theo chiều sâu, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới.

Về triển khai hoạt động của Hội đồng: Bám sát, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; các nhiệm vụ giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 14); các nhiệm vụ, đề án tại Kế hoạch điều phối vùng năm 2024. Tổ chức thực hiện, hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.

Theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, có 18 nhiệm vụ, đề án cụ thể các bộ, cơ quan cần tập trung thực hiện. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Hội đồng và Văn phòng Chính phủ theo dõi sát sao, đôn đốc các cơ quan, địa phương liên quan đảm bảo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao, không để chậm hay kéo dài thời gian thực hiện các nhiệm vụ sang năm 2025; làm việc nào dứt việc đó. Trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, cần báo cáo lại cấp có thẩm quyền lý do không hoàn thành, giải pháp tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy điều phối, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của vùng đồng bằng sông Hồng đối với các vùng lân cận. Bí thư, Chủ tịch, các thành viên Hội đồng vùng, lãnh đạo các bộ, ngành phải đổi mới tư duy theo hướng nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; huy động sức mạnh của doanh nghiệp vào sự phát triển; bảo đảm chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.

Thủ tướng đề nghị “5 tiên phong”: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tiên phong trong cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, đời sống; tiên phong trong lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức, ảnh hưởng, làm tăng chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; tiên phong huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư, để phát triển nhanh và bền vững; tiên phong thực hiện chính sách an sinh xã hội, tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng nhanh và bền vững ảnh 3

Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu: Thứ nhất, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị"; tập trung phát triển theo hướng 1 vùng động lực quốc gia, 2 tiểu vùng, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế trong nước và kết nối quốc tế với tất cả hình thức kết nối giao thông phát triển bậc nhất cả nước.

Thứ hai, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh: Về công nghiệp: phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào chế biến, chế tạo; ưu tiên công nghiệp cơ điện tử, chíp bán dẫn, sản phẩm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới.

Về dịch vụ: phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, các dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, y tế… Về nông nghiệp: phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; phát triển các nguồn cung và lưới điện, nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hạ tầng thủy lợi.

Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vùng và liên vùng: Dự án tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức PPP; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng; Các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Thứ tư, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy mạnh mẽ các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động điều phối Vùng, cụ thể: triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách khác; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư công nghệ; thúc đẩy đầu tư PPP, nhất là trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông của Vùng và liên vùng; đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên cho giao thông; đẩy mạnh liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistic, dịch vụ chất lượng cao.

Thứ bảy, liên kết phát triển văn hoá, du lịch theo miền di sản; thiết kế “Một cung đường, nhiều điểm đến”, các tỉnh liên quan phải chủ động, nhất là liên quan di tích Yên Tử.

Thứ tám, đẩy mạnh chuyển đổi số, chia sẻ cơ sở dữ liệu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các dự án vùng, liên vùng quan trọng, kết nối vùng, đặc biệt là giao thông; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm đưa vào chương trình làm việc của Hội đồng Vùng để thảo luận, thống nhất triển khai trong thời gian tới (giáo dục, y tế…); giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH và 5 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế-xã hội còn lại; tinh thần triển khai với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tư tưởng phải thông, có tinh thần tiến công, bứt phá; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ này, nhất là các mục tiêu chưa đạt để có giải pháp tăng tốc, đột phá, thực hiện bằng được.

Thủ tướng mong các địa phương trong vùng, các bộ, ngành đặc biệt thúc đẩy đầu tư công, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tạo động lực cho huy động mọi nguồn lực xã hội; tập trung dùng 1 luật sửa nhiều luật, do đó các địa phương, bộ ngành đóng góp ý kiến, nhất là các vấn đề vướng mắc thì kiên quyết phải tháo gỡ, phải làm, tạo đột phá về thể chế.

Các tỉnh, thành phố phải chủ động đề xuất, đóng góp cho thể chế để Chính phủ tháo gỡ với tinh thần quyết tâm cao. Thủ tướng lưu ý, vùng đồng bằng sông Hồng cũng phải tiên phong trong thúc đẩy thực hiện phát triển nhà ở xã hội, nhất là cho đối tượng công nhân vì Vùng có số lượng lớn công nhân đang lao động.