Khơi dậy tình yêu đất nước thông qua giáo dục trải nghiệm

Thời gian qua, thông qua việc kết hợp đi thực tế đến các địa chỉ đỏ trên địa bàn, nhiều trường học của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã sáng tạo, xây dựng mô hình, không gian trải nghiệm ngoài trời giúp học sinh thêm hứng thú với những giờ học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục địa phương... góp phần giáo dục, bồi dưỡng tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trải nghiệm giáo dục lịch sử địa phương ở Trường tiểu học Đỉnh Bàn.
Mô hình trải nghiệm giáo dục lịch sử địa phương ở Trường tiểu học Đỉnh Bàn.

Trường tiểu học Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đứng chân cạnh nơi thờ tự Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi ở núi Long Ngâm. Cùng với địa danh cửa Sót - núi Nam Giới, đền thờ Lê Khôi từ lâu đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta.

Thầy giáo Hồ Đăng Thiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đỉnh Bàn cho biết: Với lợi thế về các loại hình di tích, di sản trên địa bàn, hằng năm, nhà trường đều tổ chức các dịp cho học sinh tham quan thực tế, tìm hiểu và trải nghiệm tại khu lăng mộ, đền thờ Lê Khôi và danh thắng cửa Sót - núi Nam Giới để các em học sinh hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp vị tướng đã đi vào huyền thoại của nhà hậu Lê và chiêm ngưỡng công trình, không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên tại đây.

Theo chia sẻ của thầy Hồ Đăng Thiên, bên cạnh việc tổ chức các chuyến trải nghiệm, tham quan thực tế, nhà trường còn xây dựng các mô hình trải nghiệm độc đáo với các chủ đề như: "Quê hương em", "Tự hào lịch sử", "Biển đảo Việt Nam" và "Góc điều muốn nói" để đưa những giờ học Lịch sử-Địa lý, Giáo dục địa phương của học sinh nơi đây trở nên sống động, thu hút hơn.

Em Nguyễn Văn Nhật Huy, học sinh lớp 5A4, Trường tiểu học Đỉnh Bàn bày tỏ: "Em cảm thấy rất hứng thú với những giờ học trải nghiệm ngoài trời. Các kiến thức về lịch sử, địa lý và truyền thống địa phương được các thầy cô xây dựng qua các mô hình, mốc sự kiện rất dễ nhớ, dễ thuộc. Qua các tiết học, chúng em được thay phiên nhau thuyết trình về các sự kiện, từ đó chúng em được tự tin, mạnh dạn hơn".

Bên cạnh đó, trong khuôn viên Trường tiểu học Đỉnh Bàn còn có góc thể dục giữa giờ, các trò chơi dân gian, thư viện ngoài trời với diện tích hơn 350 m2… đáp ứng không gian vui chơi, học tập của học sinh. Nhà trường còn dán mã QR tại các hình ảnh minh họa để giáo viên, cha mẹ học sinh và khách đến tham quan có thể thông qua việc quét mã QR để cập nhật những kiến thức, hiểu biết sâu sắc hơn về các kiến thức, chủ đề giáo dục.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Đỉnh Bàn cho biết: "Bằng sự hỗ trợ từ UBND huyện Thạch Hà, sự đồng thuận và đóng góp của cha mẹ học sinh, khu trải nghiệm ngoài trời đã được hoàn thiện. Đây là nơi học sinh được tiếp cận với những kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương một cách trực quan, sinh động. Các em cũng được rèn luyện các kỹ năng mềm thông qua việc thuyết trình và chia sẻ suy nghĩ của mình".

Có mặt tại Trường tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà) qua giới thiệu của giáo viên và học sinh nhà trường, chúng tôi được biết, góc giáo dục địa phương cũng là một điểm nhấn trong các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh. Tại đây, học sinh được tìm hiểu về các làng nghề, sản phẩm truyền thống của quê hương Hà Tĩnh.

Từ những làng nghề truyền thống như chiếu cói, tơi (Can Lộc) đến làng nghề rèn Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh)… được tái hiện giản dị, gần gũi bằng chính những nguyên liệu thân thiện như tre, nứa… Bên cạnh đó, các gian trưng bày "Sản phẩm OCOP" tiêu biểu, các hình ảnh về địa danh, lễ hội, của địa phương cũng được khéo léo lồng ghép. Bên cạnh góc giáo dục địa phương, các giáo viên và học sinh còn sáng tạo công trình "Tự hào lịch sử Việt Nam" bằng những vật liệu tái chế.

Trên diện tích gần 100 m2, công trình bao gồm các hạng mục như: Bản đồ Việt Nam; khu trưng bày tài liệu, thông tin về các địa danh, nhân vật và sự kiện lịch sử; sách ảnh "Lịch sử nước ta"..., trong đó, Bản đồ Việt Nam là mô hình được làm từ hàng nghìn chiếc chai nhựa.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Dung Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Đài, tại mô hình Bản đồ Việt Nam, những đảo, quần đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam như: Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc... đều được thiết kế đúng với vị trí, hình dáng thực; qua đó giúp học sinh ý thức sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo - một phần lãnh thổ của Việt Nam. Tại cuốn sách ảnh "Lịch sử nước ta", các mốc sự kiện trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ được tái hiện qua những hình ảnh sinh động chân thực; thông tin chính xác, ngắn gọn, súc tích.

Em Dương Trúc Lâm, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Thạch Đài chia sẻ: "Qua những giờ học trải nghiệm, em say mê và tìm tòi thêm nhiều kiến thức mới mẻ hơn về lịch sử, địa lý dân tộc cho nên em đạt được nhiều giải cao tại các sân chơi kiến thức khác.

Cô giáo Đào Thị Hằng, giáo viên Trường tiểu học Thạch Đài cho biết, bên cạnh giáo dục lịch sử, địa lý qua các mô hình trải nghiệm trong khuôn viên, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế, qua đó khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với văn hóa truyền thống của quê hương, niềm tự hào dân tộc trong mỗi học sinh.

Từ sự sáng tạo, liên kết và tích hợp kiến thức giữa các môn, đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã có cách làm linh hoạt, phù hợp trong việc xây dựng những mô hình giáo dục mở, tạo sự hứng thú, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục lan tỏa mô hình giáo dục trải nghiệm, chỉ đạo các nhà trường tập trung nghiên cứu cấu trúc, nội dung, chương trình để xây dựng các mô hình, không gian học tập ngoài trời một cách phù hợp với từng cấp học", thầy giáo Lê Văn Phương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà cho biết thêm.