Khoảng 1,7 triệu học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm học mới

NDO - Sáng 5/9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến dự lễ khai giảng và đánh trống khai trường năm học 2022-2023 tại Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh trống khai trường năm học mới tại Trường trung học Lê Quý Đôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh trống khai trường năm học mới tại Trường trung học Lê Quý Đôn.

Phát biểu tại lễ khai giảng, thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Hiệu phó Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn gửi gắm đến các học sinh thứ 148 của ngôi trường có bề dày lịch sử lâu đời. “Các em được thụ hưởng mô hình giáo dục tiên tiến, hội nhập quốc tế với rất nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, ngoại khóa, dự án, nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ, kỹ năng sống…”, thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, tại Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, các học sinh không chỉ học để biết, mà còn học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

Khoảng 1,7 triệu học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh bước vào năm học mới ảnh 1

Quang cảnh khai giảng năm học 2022-2023 tại Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn phải biết nhận diện thử thách, khát khao chinh phục, chủ động dấn thân để hoàn thiện mình hơn mỗi ngày, và đặc biệt phải biết khiêm nhường, thấu hiểu, yêu thương để trở thành người chân thành, tử tế. Các em hãy cùng nhau tạo nên “phong cách học sinh Lê Quý Đôn” để ngày càng đẹp hơn trong tâm hồn, trí tuệ và dung mạo.

Năm học 2022-2023, Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn có hơn 1.500 học sinh. Toàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1,7 triệu học sinh. Bước sang năm học mới, ngành giáo dục thành phố tập trung thực hiện 14 nhiệm vụ theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động, sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”.

Trong đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Triển khai theo lộ trình và phù hợp với thực tiễn các chương trình, đề án đột phá của thành phố về giáo dục như: Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ; Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030; Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020-2030”...