Tàu vũ trụ của Trung Quốc mang đá mặt trăng quay trở lại Trái đất

NDO -

Ngày 13-12, tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 của Trung Quốc bắt đầu khởi hành trở về Trái đất mang theo mẫu đá mặt trăng để nghiên cứu sau hơn bốn thập kỷ gián đoạn.

Hình ảnh đồ họa mô phỏng tàu đổ bộ của tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 hạ cánh lên mặt trăng để lấy mẫu đất. Ảnh: Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc/Tân Hoa Xã.
Hình ảnh đồ họa mô phỏng tàu đổ bộ của tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 hạ cánh lên mặt trăng để lấy mẫu đất. Ảnh: Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc/Tân Hoa Xã.

Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết, tàu thăm dò mặt trăng Hằng Nga 5 đã quay quanh mặt trăng trong khoảng một tuần, và mới đây đã kích hoạt bốn động cơ trong khoảng 22 phút để di chuyển ra khỏi quỹ đạo của mặt trăng.

Vào đầu tháng 12, tàu đổ bộ của Hằng Nga 5 đã hạ cánh xuống mặt trăng, gần quần thể núi lửa Mons Rumker, một khu vực được cho là địa điểm hoạt động của núi lửa cổ đại. Robot đã thu thập khoảng 2 kg mẫu đá mặt trăng.

Khoang tàu chở mẫu đá dự kiến ​​sẽ hạ cánh xuống khu vực Nội Mông, phía bắc Trung Quốc sau khi tách khỏi phần còn lại của tàu vũ trụ và được thả trôi bằng dù. Mẫu đá này sẽ là vật liệu đầu tiên từ mặt trăng được đưa về Trái đất kể từ hoạt động của tàu thăm dò Luna 24 của Liên Xô vào năm 1976.

Đá và các mảnh vụn khác được thu thập bằng cách khoan vào vỏ mặt trăng và xúc trực tiếp trên bề mặt. Mẫu đá này có thể trẻ hơn hàng tỷ năm so với những mẫu đá được các sứ mệnh tàu thăm dò của Mỹ và Liên Xô đưa về trước đó, nó có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về lịch sử của mặt trăng và lịch sử của các thiên thể khác trong hệ mặt trời.

Trung Quốc đã thành lập các phòng thí nghiệm để phân tích tuổi và thành phần của các mẫu đá và dự kiến ​​sẽ chia sẻ một số mẫu với các nước khác, theo thông lệ như hàng trăm kg đá mặt trăng do Mỹ và Liên Xô mang về trước đây.

Trong Chương trình vũ trụ của mình, Trung Quốc đang thực hiện một loạt sứ mệnh đầy tham vọng. Một tàu thăm dò đang trên đường đến sao Hỏa. Trong hai năm qua, chương trình mặt trăng mang tên Hằng Nga, nữ thần mặt trăng của Trung Quốc cổ đại, đã vận hành tàu thăm dò Hằng Nga 4 ở vùng xa ít được khám phá của mặt trăng.

Trong tương lai, Trung Quốc đang có kế hoạch kêu gọi đưa một phi hành gia trở lại mặt trăng và có thể xây dựng một căn cứ vĩnh viễn trên mặt trăng. Trung Quốc cũng đang xây dựng một trạm vũ trụ để bắt đầu hoạt động sớm nhất vào năm 2022.