Phan Trí Dũng và máy "chế tạo" nước sạch

Nhóm nghiên cứu gồm Phan Trí Dũng - kỹ sư, Thái Thành Nguyện, Nguyễn Quốc Bảo - kỹ thuật viên.

Mọi việc bắt đầu từ một dịp kỹ sư phan Trí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị của PETECH Research đến thăm "Thung lũng Silicon" Việt Nam tại Bảo Lộc, Lâm Đồng, tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc ít người ở đây phải sử dụng nguồn nước thiên nhiên bị ô nhiễm dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Những nguồn nước không sạch này là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh tật, khiến cho hoàn cảnh sống của họ vốn nghèo càng nghèo hơn.

Trở về thành phố, kỹ sư Dũng trăn trở với ý nghĩ phải chế tạo ra một chiếc máy có thể biến nước không sạch thành... nước sạch nhằm giúp đồng bào sử dụng. Anh đem ý nghĩ này thổ lộ với hai kỹ thuật viên trẻ của trung tâm là Thái Thành Nguyện và Nguyễn Quốc Bảo.

Bảo và Nguyện đều sinh năm 1985, là những người trẻ say mê nghiên cứu khoa học. Cả hai đã tốt nghiệp Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh. Do có chuyên môn khá tốt về chế tạo máy móc nên hai bạn được PETECH Research nhận vào làm nhân viên của Trung tâm. Họ chia sẻ với kỹ sư Dũng ý tưởng dùng năng lượng mặt trời để làm một chiếc máy tạo nên nước sạch. Sự lựa chọn dùng nguồn năng lượng này là hợp lý bởi vì ở các vùng sâu vùng xa thường không có điện và thiếu cả các nguồn điện năng khác.

Sau khi thống nhất ý tưởng, nhóm quyết định chế tạo sản phẩm Máy tạo nước tinh khiết sử dụng năng lượng mặt trời (còn gọi là sản phẩm Nước của trời - NCT 01). Từ tháng 3-2005, họ bắt tay vào nghiên cứu thực hiện. Kỹ sư Dũng phụ trách phần thiết kế. Nguyện được giao lắp ráp phần điện tự động. Còn Bảo thì gia công chế tạo phần cơ khí.

Sau gần ba tháng vừa cặm cụi trong phòng thí nghiệm để xây dựng bản vẽ vừa phơi nắng ngoài trời để làm thực nghiệm, sản phẩm Nước của trời - NCT 01 đã hoàn thành.

NCT-01 có cấu tạo gồm một guồng phản xạ parabol có đường kính gương 1,5m, được tạo bởi 480 mảnh gương vụn dán lên bề mặt của sáu miếng tôn dạng cong theo parabol, một nồi đựng nước biển (hoặc nước ô nhiễm) có dung tích chứa 10 lít, chân đế và bộ quay có thiết kế hệ thống xoay tìm và bắt bám theo ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, NCT-01 còn có thiết kế bộ ngưng tụ, hộp gom nước ngưng tụ, hộp than hoạt tính (dành cho nước ô nhiễm) và bình PET đựng nước. Khi cần lấy nước thì đổ nước biển (hoặc nước bị ô nhiễm) vào nồi chứa, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, qua guồng phản xạ sẽ làm nước sôi lên. Khi lớn hơn hoặc bằng 1000 thì hơi nước sẽ bốc hơi thông qua hộp gom nước ngưng tụ, hộp than hoạt tính để cho ra nước tinh khiết. Bình thường với khoảng 4 giờ có nắng tốt thì sẽ thu được nước tinh khiết từ bình PET. Hiệu suất ngưng tụ 75%, cứ 10 lít nước mặn (nước ô nhiễm) thì thu được 7,5 lít nước tinh khiết.

Về khả năng hoạt động, máy NCT-01 của nhóm chế tạo có thể biến nước biển hoặc nước nhiễm mặn, thậm chí cả nước bị ô nhiễm (nhiễm phèn, asen, thủy ngân, nitric, ammoniac...) thành nước tinh khiết có chất lượng tương đương nước tinh khiết dòng chai PET trên thị trường. Riêng đối với nước ô nhiễm nặng các chất hữu cơ thì sản phẩm sẽ qua bộ lọc mùi (bằng than hoạt tính) đã được thiết kế. Đặc biệt nhất là parabol này có thể tự lật ngược khi trời mưa để mở thành một bộ dẫn hứng nước mưa rồi đưa nước qua bộ lọc của than hoạt tính trở thành nước sạch.

Trong tháng 6 và 7-2005, nhóm đã đưa sản phẩm thử nghiệm thực tế ở một số hộ dân thuộc xã Dambri, thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng và ngay tại Trung tâm PETECH Research ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy máy chế tạo nước tinh khiết NCT- 01 không những hữu ích ở nhũng vùng nước mặn, nước ô nhiễm mà còn thích hợp cho nhữmg vùng đã có nước sạch. Bởi hiện tại rất ít gia đình dám dùng nước máy đô thị hoặc nước bơm từ giếng mà không qua đun sôi. Việc sử dụng nước của trời sẽ giúp tiết kiệm nhiều vì không phải tốn điện, gas, củi để đun nấu.

Chưa kể, nếu nói về chất lượng thì NCT-01 có thể dùng nấu ăn hoặc pha trà chất lượng thơm ngon hơn rất nhiều. Vì nước máy thành phố có thành phần clor và nước sạch nông thôn bị "cứng".

Kỹ sư Phan Trí Dũng cho biết, hướng tới NCT-01 sẽ được dùng để cung cấp nước ngọt cho vùng biển và hải đảo; cung cấp nước uống cho người dân ở vùng lũ lụt vùng nước ngầm hoặc nước bị ô nhiễm nặng. Hiện trung tâm cũng lên kế hoạch sẽ vay kinh phí theo một dự án quốc tế của PETECH Research để sản xuất 3.000 bộ trong năm 2005 - 2006 bán trả góp cho đồng bào vùng sâu, vùng xa (mỗi máy giá bán khoảng 2,4 triệu đồng). Tháng 12 tới, sản phẩm sẽ được gửi đi tham dự triển lãm Machine Tool 2005 tại Indonesia.

Hiện nay, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất sản phẩm NCT-02 với dung tích bình chứa lớn hơn nhiều lần để nâng cao công suất, mỗi ngày máy có thể sản xuất được 100 lít nước tinh khiết. Máy NCT-02 này sẽ vận hành hoàn toàn tự động, tự xoay theo hướng mặt trời, tự cấp nước mặn cho nồi và tự xả bỏ cặn...