Bảo vệ loài thú quý sao la

Bảo vệ loài thú quý sao la

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đưa ra khuyến cáo: Sao la, một động vật cực kỳ quý hiếm, phân bố chủ yếu ở dọc khu rừng trung Trường Sơn (từ Nghệ An đến Quảng Nam) của Việt Nam và một phần rừng Lào (đoạn giáp Việt Nam) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, vì môi trường sống của chúng bị thu hẹp đáng kể trước sự tác động tiêu cực của con người. Các nhà khoa học đã kiến nghị gấp rút thành lập một khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ sao la. Không nên bảo tồn theo cách truyền thống (lập khu bảo tồn loài riêng lẻ, địa điểm cụ thể) mà nên hướng tới bảo tồn một vùng địa lý rộng lớn như toàn bộ khu vực trung Trường Sơn để bảo vệ được đa dạng sinh học từ xa.

Lần lại bản đồ sao la thế giới, năm 1992, tại vùng rừng Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện một loài thú mới của thế giới, được đặt tên là sao la. Tuy nhiên, mọi sự miêu tả về loài thú này chỉ mới dừng lại ở chỗ căn cứ vào các tiêu bản sừng, sọ thu nhận được. Quan sát một cách toàn diện về hình ảnh sao la ở ngoài thiên nhiên vẫn chưa hề được ghi nhận. Các nghiên cứu khoa học về loài sao la còn rất hạn chế bởi rất khó tiếp cận loài thú này do nơi sinh sống thường có địa hình hiểm trở. Cách đây hơn  ba năm, kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện được vùng phân bố của quần thể sao la ở thượng nguồn sông Hương với hơn 100 cá thể sao la đang sinh sống. Ðây là lần đầu tiên sao la được ghi nhận về dấu vết và hình ảnh thực. Báo cáo khảo sát do phòng khoa học Vườn quốc gia Pù Mát thực hiện tháng 7-2003, cũng đã ghi nhận dấu vết của sao la ở khe Bống, khe Chát và khe Yên. Tuy nhiên, việc ghi nhận sự tồn tại của sao la chỉ thông qua việc phát hiện được dấu chân và các dấu hiệu của loài này trong khoảng độ cao từ 200 đến 500 m, còn các nhà khoa học vẫn chưa thực sự nhìn thấy sao la sinh sống trong môi trường thiên nhiên. Sao la cũng chưa bao giờ được nhân nuôi thành công, mặc dù đã có hai con được đem về nuôi thử nghiệm ở Viện Ðiều tra Quy hoạch rừng, Vườn quốc gia Bạch Mã nhưng sau một thời gian chúng tỏ ra không thích nghi và đã chết. Tới nay, đã hơn mười năm kể từ khi được phát hiện, sao la vẫn rất ít khi được nhìn thấy trong tự nhiên và sự tồn tại của nó đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Mối đe dọa chủ yếu đối với sao la là bị săn bắn, bẫy làm thực phẩm, bị mất sinh cảnh sống, hoặc sinh cảnh sống bị chia cắt và bị nhiễu loạn do các hoạt động của con người. Ông An-đrây Uê, Ðồng Giám đốc của dự án SFNC cho rằng: "Việc giảm số lượng loài sao la chính là đại diện cho tình trạng giảm số lượng các loài vật quý hiếm trong toàn khu vực. Chúng ta cần phải hành động gấp để tránh không để mất thêm các loài động thực vật hoang dã. Ðể làm được việc đó, chúng ta cần phải đưa người dân địa phương cùng tham gia vào hoạt động bảo tồn".

Chính vì vậy, các nhà khoa học đã thống nhất đưa ra chương trình hành động để bảo tồn loài sao la. Trong đó, việc cấp thiết là sớm nghiên cứu phân bố và sinh thái của sao la, mở rộng hệ thống khu bảo tồn, thiết lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh cho sao la. Tăng cường năng lực quản lý cho các khu bảo tồn. Ðào tạo đội ngũ cán bộ  làm  nghiên  cứu  chuyên  sâu,

và tăng cường hợp tác quốc tế. Giáo dục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho dân chúng; tăng cường điều kiện sống cho người dân sống gần và trong khu vực có sao la. Thu hồi bẫy, thu hồi súng săn không có giấy phép, cấm sản xuất bẫy trong vùng phân bố sao la. Ðặc biệt, các nhà khoa học cho rằng cần có cam kết từ phía chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các trường đại học và các viện nghiên cứu và tất cả các bên có liên quan để hỗ trợ công tác nghiên cứu và bảo tồn loài vật vô cùng quan trọng này của dãy Trường Sơn.

Sao la không phải là loài vật kỳ diệu đầu tiên được tìm thấy ở dãy Trường Sơn. Ở đây còn có rất nhiều loài vật đặc biệt khác, là đặc hữu của khu vực này, bao gồm cả loài voọc ngũ sắc (Pygathris nemaeus), một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới, và trĩ sao (Rheinardia ocellata), loài có những chiếc lông đuôi dài nhất trong số tất cả các loài chim trên thế giới. Giám đốc Bảo tồn của WWF Chương trình Ðông Dương Mai-cơ Ban-dơ đã phát biểu: Sao la là linh hồn của dãy Trường Sơn. Với sự giàu có về đa dạng sinh học, dãy Trường Sơn là một trong những khu vực bảo tồn quan trọng nhất. Hy vọng rằng con cháu của chúng ta mai sau cũng sẽ có cơ hội được nhìn thấy những loài động vật hoang dã xinh đẹp như sao la và voọc ngũ sắc này trong tự nhiên.

NGUYỄN ĐÌNH