Khoảng 60-70% người tham gia dùng thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh

Theo thống kê, có khoảng 60-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Tần suất khám, chữa bệnh của người dân từ 2-2,1 lần/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Khám bệnh mắt cho trẻ em tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Công Lý)
Khám bệnh mắt cho trẻ em tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Công Lý)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo thống kê, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Tần suất khám, chữa bệnh của người dân là từ 2-2,1 lần/năm.

Số người hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Tính hết tháng 9/2023, cả nước đã có gần 128 nghìn lượt người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh. Tần suất khám, chữa bệnh của người dân là từ 2-2,1 lần/năm.

Với những tiện ích, lợi ích được hưởng từ chính sách bảo hiểm y tế, hầu hết người dân đều tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ lệ này đã tăng từ 91,01% dân số (năm 2021) lên 92,04% (năm 2022) và đạt 92,4% qua 9 tháng đầu năm 2023.

Quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân.

Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế và các nước trong khu vực ASEAN.

Theo quy định, Danh mục thuốc bảo hiểm y tế sử dụng tại Việt Nam có 1.037 thuốc hóa dược, sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc y học cổ truyền. Việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại.

Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng Danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn sử dụng thuốc cho phù hợp.

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế sử dụng tại Việt Nam có 1.037 thuốc hóa dược, sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc y học cổ truyền.

Về cơ bản, hiện tại Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, các hạng bệnh viện và các chuyên ngành, các lĩnh vực điều trị.

Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế cũng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế; thủ tục trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng cải cách, đơn giản, tiết kiệm thời gian cho người tham gia.

Đặc biệt, với việc cải cách thủ tục hành chính như: sử dụng thẻ căn cước công dân, hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thay cho thẻ giấy; ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… đã và đang được người dân, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hưởng ứng, đánh giá cao.

Khoảng 60-70% người tham gia dùng thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh ảnh 1
Người dân có thể dùng ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: Phương Nam)

Cụ thể, sau gần 3 năm ra mắt từ thời điểm tháng 11/2020 đến nay, ứng dụng VssID- bảo hiểm y tế số đã thu hút được hơn 32 triệu người dùng, ngày càng khẳng định hiệu quả và tạo sự thuận lợi cho người dân trong đời sống.

Kết quả triển khai Đề án 06 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tới tháng 9/2023 cho thấy, toàn quốc đã có 12.597 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. Con số này đạt 98,2% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Cùng với đó, có hơn 43 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, từ cuối năm 2018, cơ quan này phối hợp Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Theo đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn. Đó là các nhóm cụ thể sau đây.

Thứ nhất, mở rộng đối tượng tham gia.

Thứ hai, mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ ba, đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở;

Thứ tư, bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan bảo hiểm xã hội trong hoạt động giám định.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.