Khó khăn trong mở rộng thị trường nông sản ở Thái Bình

NDO -

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng nông sản ở Thái Bình phải co hẹp quy mô sản xuất, hay hoạt động cầm chừng, không mở rộng được thị trường dù đã nỗ lực chuyển đổi phương thức kinh doanh.

Các vùng trồng rau, củ, quả lớn ở tỉnh Thái Bình chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, chưa xây dựng được thương hiệu.
Các vùng trồng rau, củ, quả lớn ở tỉnh Thái Bình chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, chưa xây dựng được thương hiệu.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với khoảng 80% dân số sống bằng nghề nông. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản bị ảnh hưởng, nhất là tại các vùng đang giãn cách xã hội.

Muôn vàn khó khăn

Anh Lưu Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh Thái Bình, địa chỉ xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư), chia sẻ: Nếu như năm 2020, Hợp tác xã tập trung sản xuất hàng chục vạn gà con xuất ra thị trường trong tỉnh và TP Hải Phòng, thì từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch nên buộc chuyển sang sản xuất trứng gà sạch. Thị trường chủ yếu ở trong tỉnh, muốn mở rộng ra tỉnh ngoài gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, hai lần rục rịch chuẩn bị đi Hội chợ xúc tiến thương mại ở Quảng Ninh và Hà Nội thì lại vướng dịch không thực hiện được. Sản phẩm trứng gà sản xuất theo công nghệ Organic là sản phẩm đặc thù, bán theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên giá hơi cao hơn trứng thông thường. Vì vậy, theo anh Toàn phải tiếp cận trực tiếp khách hàng, thậm chí cho khách ăn thử tại các hội chợ thì mới thuyết phục được.

Khó khăn trong mở rộng thị trường nông sản ở Thái Bình -0
 Trứng gà sạch của Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh Thái Bình xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Mặc dù Hợp tác xã khá năng động trong tiếp cận thị trường, nhất là qua hai kênh là chợ truyền thống và mạng xã hội. Ngoài ra, đã đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng online của Lazada hay Shopee nhưng số lượng không được nhiều. Lý do là thương hiệu trứng gà sạch của hợp tác xã mới được định hình, nhiều người chưa biết, chưa tin tưởng nên cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn ở thị trường trong tỉnh.

Anh Toàn cho biết, thực tế bây giờ để đi ra ngoài tỉnh rất khó khăn. Dẫu đã có “luồng xanh”, nhưng các đại lý, đầu mối cũng ngại tiếp xúc với mình bởi lý do từ tỉnh khác về. Đơn vị đang hoạt động cầm chừng, đợi khi dịch lắng xuống mới đi tiếp thị, quảng cáo, trước mắt tập trung ở TP Thái Bình cho ổn định thị trường.

Giống như Hợp tác xã Chăn nuôi Xanh Thái Bình, Công ty Toan Vân (TP Thái Bình) cũng buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất mặt hàng nông sản do diễn biến dịch Covid-19. Ông Trần Quang Phước, đại diện Công ty cho hay: Trong bối cảnh này, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay Organic của Công ty cũng phải chậm lại bởi nếu sản phẩm không xuất được thì rủi ro doanh nghiệp phải chịu là rất lớn.

Từ đầu năm đến nay, ngoài thị trường nội tỉnh, Công ty mới tiêu thụ một số lượng rất ít ỏi ở Hưng Yên một số sản phẩm như: ớt, cà chua, rau an toàn để thăm dò thị trường. Thị trường Hải Dương, ớt, cải bắp năm ngoái lúc nhiều tiêu thụ hai ba chục tấn, nhưng dịch bùng phát ở địa bàn này làm các đầu mối đứt gãy hết. Bên Thái Bình không bị ảnh hưởng mấy, nhưng khi sang Hải Dương thì việc sơ chế, đóng gói và vận chuyển container đi nước ngoài bị ảnh hưởng luôn. Hàng Công ty chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, bởi chính ngạch đến nay chưa được cấp mã vùng trồng, hay như truy xuất nguồn gốc, đây là một khó khăn cho doanh nghiệp.

Gian nan mở rộng thị trường

Theo Sở Công thương tỉnh Thái Bình, dù tỉnh đã có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung và có cơ chế chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Tuy nhiên, hàng hóa nông sản của Thái Bình tiêu thụ qua kênh này còn khá hạn chế (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc tham gia vào liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi rất khó khăn).

Hiện nay, các mặt hàng rau, củ, quả của tỉnh được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái tại các vùng sản xuất tập trung như Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ), hay như Trung An, Song An (huyện Vũ Thư) và một phần nhỏ là thương lái ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về thu mua, tiêu thụ. Thực tế, Thái Bình chưa có sản phẩm lớn, sản phẩm chủ lực, có thương hiệu như các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, nên việc tiêu thụ nông sản phần lớn đi vào các chợ truyền thống nội tỉnh.

Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình cho biết: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên từ đầu năm đến nay nhiều chương trình xúc tiến thương mại bị hủy hoặc lùi thời gian. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kết nối cung cầu hoặc tham gia trực tiếp vào các hội chợ tại tỉnh ngoài không thực hiện được. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với Thái Bình chính là việc sản xuất hàng hóa chưa được tổ chức theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP nên khó đứng chân trong hệ thống trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Để khắc phục tình trạng này, giải pháp lâu dài của Thái Bình là quy hoạch các vùng trồng rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến từ tất cả các khâu nhằm bảo đảm đầu ra của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch tiêu thụ trên thị trường.

Tỉnh sẽ tích cực tham gia các hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến trong bối cảnh Covid-19. Mặt khác, sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để phối hợp tổ chức lớp học, hội nghị, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và phát triển thương mại điện tử. Hiện nay, Sở Công thương đã liên hệ các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi đến mùa thu hoạch giữa các tỉnh với nhau.

Liên quan đến vấn đề này, một số đơn vị sản xuất mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho rằng: Hoạt động xúc tiến thương mại chỉ có từng đợt, mà nông sản thì có mùa vụ rất khắt khe, không thể đợi được. Hơn nữa, mặt hàng nông sản của Thái Bình không phải là nông sản ưu tiên như quả nhãn lồng Hưng Yên, hay thanh long ở các tỉnh phía nam, do đó không được hưởng các chính sách ưu đãi hay hỗ trợ của Nhà nước, đây là một thiệt thòi rất lớn.