Hai Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận, có tổng chiều dài hơn 148 km. Trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) đại diện chủ đầu tư ; Phan Thiết - Dầu Giây dài 47,67 km do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) đại diện chủ đầu tư.
Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án đã cơ bàn hoàn thành. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã bàn giao được 99,8/100,8 km, vẫn còn 16 hộ dân (diện tích khoảng 7ha) chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã giải phóng mặt bằng được 47,67/47,67 km đạt 100%. Năm khu tái định cư đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện tái định cư.
Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật như: đường nước, viễn thông, điện trung thế, hạ thế và 110 kV đang được triển khai thi công di dời, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu. Riêng đường dây 500 kV và 220 kV đang lập, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, dự toán di dời theo ý kiến thẩm định Cục Năng lượng Bộ Công thương và Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia.
Theo báo cáo của Ban QLDA 7 và Ban QLDA Thăng Long thì tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của dự án là 10,75 triệu m3, trong đó: Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết 9,0 triệu m3, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây 1,75 triệu m3. Trong đó, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây qua Bình Thuận, có 7 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 7.215.724 m3 đủ cung cấp cho dự án là: 1.750.000 m3. Riêng đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết gặp khó khăn do khan hiếm về nguồn vật liệu đắp nền đường.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 cho biết, toàn dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã huy động 644 cán bộ kỹ thuật, công nhân, lái máy; 290 xe máy thiết bị và đang triển khai tổng cộng 34 mũi thi công. Khối lượng thi công vẫn còn chậm so tiến độ được duyệt. Nguyên nhân chậm, ngoài chủ quan từ phía nhà thầu thì khách quan do còn vướng GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng khan hiếm về nguồn vật liệu đắp nền đường ở địa phương, do đó nhà thầu không chủ động được nguồn vật liệu đắp ảnh hưởng lớn đến tiến độ, phương án tổ chức thi công.
Qua điều tra và báo cáo của các nhà thầu thi công, nguồn vật liệu trong khu vực hiện tại đủ điều kiện cung cấp khoảng 3,63 triệu m3, Còn thiếu khoảng 5,57 triệu m3. Nếu tính luôn trữ lượng khoảng 4,17 triệu m3 của các mỏ đang làm thủ tục cấp phép, thì vẫn còn thiếu 1,40 triệu m3. Trong quá trình Nhà thầu triển khai thi công có 26 hộ dân cản trở, gây khó khăn (đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn còn khiếu nại về đơn giá, chính sách bồi thường…). Đặc biệt nghiêm trọng tại nút giao Đại Ninh (lý trình Km 178+200 là điểm giao cắt với QL 28B) hiện còn bốn hộ dân không đồng ý phương án đền bù và bàn giao mặt bằng.
Đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây qua Bình Thuận vẫn còn 18 hộ chưa nhận tiền đền bù. Các hộ này nằm trong phạm vi nút giao, trên các đường nhánh lên xuống, các đường ngang, đường tiếp cận.
Qua nghe ý kiến của các đơn vị tham gia dự án cũng như của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong chỉ đạo các Sở TN và MT và Sở NN và PTNT tỉnh cùng các địa phương phối hợp hai Ban Quản lý Dự án phải khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và nhà thầu. Đồng thời chỉ đạo thành lập ngay tổ công tác gồm có một số sở, ngành chức năng phối hợp Ban QLDA và nhà thầu để tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vật liệu đắp nền cho dự án.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao tỉnh Bình Thuận đã tập trung giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch bàn giao chủ đầu tư dự án trong thời gian sớm nhất với khối lượng nhiều nhất so các địa phương khác. Việc chỉ đạo của các cấp, các ngành thường xuyên liên tục, hỗ trợ rất nhiều các đơn vị tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi triển khai thi công thì cục bộ có một vài chỗ vẫn chưa giải quyết được do các yếu tố phức tạp của công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến khiếu nại về giá đất, quy trình thủ tục thực hiện theo quy định pháp luật… một số vướng mắc, khó khăn của nhà thầu nguồn vật liệu đất đắp, giá vật liệu bị đẩy lên cao…
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời vận dụng linh hoạt các văn bản trên cơ sở theo đúng các quy định của pháp luật hỗ các đơn vị tham gia thực hiện dự án giải quyết được nhu cầu về nguồn vật liệu đắp nền để triển khai thi công công trình đúng tiến độ đã đề ra.
Trước đó, chiều 3-3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã đi công trường kiểm tra tiến độ thi công tại các gói thầu XL-01 và XL-04 thuộc Dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; làm việc với các đơn vị tham gia Dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.