Khi đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tỉnh Đắk Lắk có số dân 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,7% số dân. Về các buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk hôm nay, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một bộ phận người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên vườn cà-phê của gia đình chị H’Non Ayun ở buôn Mtá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cho năng suất cao.
Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên vườn cà-phê của gia đình chị H’Non Ayun ở buôn Mtá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cho năng suất cao.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă cho biết: Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã tuyên truyền, vận động 1.654 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo… tham gia thực hiện 86 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; vận động 11.162 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới tham gia vào 553 dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; 895 hộ tham gia 46 dự án hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi… Từ hiệu quả của các chương trình này cùng với tinh thần nỗ lực, cố gắng vươn lên thoát nghèo của người dân, đến nay số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 17,4%.

Chị H’Non Ayun ở buôn Mtá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin cho biết, 10 năm trước do thiếu vốn sản xuất, canh tác theo tập quán cũ, trồng cà-phê xen với nhiều loại cây khác, lại không bón phân, tưới nước, chủ yếu dựa vào “nước trời”. Vậy nên, năng suất cây trồng rất thấp khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2019, được Hội phụ nữ xã Ea Bhốk tuyên truyền, vận động tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê, chị đã mạnh dạn vay 130 triệu đồng vốn ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu và thuê người chăm sóc vườn cà-phê đúng kỹ thuật… Nhờ vậy năm 2021, chị thu được hơn năm tấn cà-phê nhân và năm nay dự kiến năng suất thu hoạch tăng cao hơn.

Còn gia đình chị H’Brơit Mlô ở buôn Yang Reh, xã Yang Reh, huyện Krông Bông có năm sào đất. Dù sinh sống ở vùng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhưng gia đình chị chỉ trồng cây sắn và một số cây ngắn ngày, nuôi lợn thả rông dưới gầm nhà sàn vừa ô nhiễm môi trường, đàn lợn lại chậm lớn. Năm 2020, Đội công tác vận động quần chúng của Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk đã trực tiếp về tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chị H’Brơit các loại cây giống, như mít, dứa, thanh long và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Ngoài ra, các thành viên trong đội công tác còn đóng góp kinh phí xây dựng cho gia đình chị một chuồng trại chăn nuôi lợn, hỗ trợ một cặp lợn giống, gần 20 con ngan giống. Sau hơn hai năm, đến nay vườn cây mít, dứa, thanh long đang sinh trưởng tốt. Cặp lợn giống đã đẻ được ba lứa, gia đình chị đã bán được 20 triệu đồng và trong chuồng hiện còn sáu con để tiếp tục nhân đàn. Không chỉ ở xã Ea Bhốk, Yang Reh mà trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Đắk Lắk đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên cuộc sống người dân có nhiều thay đổi lớn, số hộ nghèo giảm mạnh, đến cuối năm 2021 số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 6,34%.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk H’Kim Hoa Byă, cho biết: Để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, cùng với các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với nguồn vốn hơn 2.250 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hơn 220 tỷ đồng.

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm 3,5%. Cùng với đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022-2026.

Mục tiêu của Đề án là xóa bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu, thay đổi phương thức sản xuất; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.