Cuộc khảo sát được tiến hành bởi IPSOS, công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính tại Paris, Pháp, với sự tham gia của hơn 20 nghìn người ở 28 quốc gia.
Theo kết quả thăm dò mà hãng này công bố hôm 22/2, tỷ lệ người kêu gọi cấm đồ nhựa dùng 1 lần tăng từ mức 71% năm 2019 lên 75%, trong khi 82% người tham gia ủng hộ các sản phẩm sử dụng ít bao bì nhựa hơn, tăng 7% so mức 75% 2 năm trước đây.
Ngoài ra, 85% người được khảo sát muốn các nhà sản xuất và bán lẻ phải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế bao bì nhựa, tăng so mức 80% ghi nhận trước đây.
Cuộc thăm dò được thực hiện ngay trước thềm kỳ họp Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) diễn ra dưới hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến tại Nairobi, Kenya vào cuối tháng này.
Trong thời gian kỳ họp, hơn 100 quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ thảo luận bộ khung tổng thể cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Theo Liên hợp quốc, đây có thể sẽ là hiệp ước toàn cầu quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015.
Các nhà hoạt động cho rằng, kết quả thăm dò gửi 1 thông điệp rõ ràng tới hội nghị của UNEA về việc thúc đẩy một thỏa thuận đầy tham vọng nhằm kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa.
“Người dân trên khắp thế giới đã thể hiện rõ quan điểm của họ. Giờ là thời điểm và cơ hội để các chính phủ thông qua 1 hiệp ước toàn cầu về nhựa, để chúng ta có thể chấm dứt tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa”, ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho hay.
Gần 90% người được khảo sát cho biết họ ủng hộ việc đạt được một thỏa thuận tại kỳ họp, nhưng vẫn còn phải xem liệu thỏa thuận đó sẽ tập trung vào việc thu gom và tái chế rác thải hay thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn như hạn chế sản xuất và sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.
Một nghiên cứu mới đây của WWF chỉ ra rằng, thế giới có thể sẽ phải chứng kiến thiệt hại sinh thái trên diện rộng trong những thập kỷ tới nếu Liên hợp quốc không thể đạt được 1 thỏa thuận nhằm ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa. Một số loài sinh vật biển sẽ bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng, còn các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô và rừng ngập mặn sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.