Khảo sát địa chất vùng nứt gãy mặt đất tại Đắk Nông

NDO - Đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền nam đến Đắk Nông để khảo sát sạt địa chất tại một số khu vực sạt trượt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ ngày 7/8.
0:00 / 0:00
0:00
Vị trí Đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại điểm lở đất ở khu vực bon Bu Krắk và bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Vị trí Đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại điểm lở đất ở khu vực bon Bu Krắk và bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã chuẩn bị tài liệu và cử cán bộ tham gia phối hợp với Đoàn công tác khảo sát địa chất của Trung ương từ ngày 7/8 cho đến khi kết thúc, để hỗ trợ đoàn những công việc cần thiết.

Ngay trong ngày hôm nay (7/8), Đoàn công tác đã đến khảo sát trực tiếp tại điểm lở đất ở khu vực bon Bu Krắk và bon Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Khảo sát địa chất vùng nứt gãy mặt đất tại Đắk Nông ảnh 1

Trong những ngày qua, việc sạt trượt tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai bon Bu Krắk và Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

Đoàn khảo sát lần này do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền nam (Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ trì. Tiến sĩ Đỗ Văn Lĩnh (Liên đoàn trưởng) sẽ chủ trì cùng 8 thành viên khác đến Đắk Nông thực hiện.

Theo kế hoạch, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu hiện trạng, diễn biến, nhận xét nguyên nhân sơ bộ tại khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắk. Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát sẽ xem xét đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó kịp thời với hiện tượng sạt lở, nứt, sụt đất.

Ngoài điểm sạt trượt bon Bu Krắk, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu một số điểm sạt trượt khác ở Đắk Nông và Lâm Đồng.

Khảo sát địa chất vùng nứt gãy mặt đất tại Đắk Nông ảnh 2

Đến nay, chính quyền địa phương đã di dời gần 70 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ và đang cắt cử lực lượng chốt trực, theo dõi, trông coi bảo đảm tài sản cho người dân.

Hoạt động của Đoàn khảo sát là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.

Khảo sát địa chất vùng nứt gãy mặt đất tại Đắk Nông ảnh 3

Người dân trong vùng nứt gãy mặt đất được đưa đến tạm trú ở khu vực an toàn, được bảo đảm về nhu yếu phẩm ổn định cuộc sống.

Trước đó, vào đêm 31/7 và khoảng 1 giờ sáng 1/8, tại khu vực bon Bu Krắk, người dân địa phương nghe có tiếng nổ lớn, sau đó cảm nhận rung chấn từ lòng đất. Đến sáng 1/8 thì phát hiện nhiều vị trí trong bon xuất hiện nứt gãy mặt đất với chiều dài khoảng 200m.

Đến ngày 5/8, vết nứt đã lan rộng thêm 300m, kéo dài sang bon bon Bu Prăng 1A, điểm cuối là lưu vực đập Đắk Ké. Trong những ngày qua, việc sạt trượt tiếp tục diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã di dời gần 70 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ và đang cắt cử lực lượng chốt trực, theo dõi.