Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân

NDO - Sáng 16/10, huyện Lương Sơn, Hòa Bình long trọng tổ Lễ khánh thành công trình tôn tạo di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh cho di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân tại xã Lâm Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa. (Ảnh: Anh Tuấn)
Di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa. (Ảnh: Anh Tuấn)

Dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Phi Long, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cùng đông đảo cán bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân ảnh 1

Đồng chí Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo dâng hương tại nhà tưởng niệm Bác Hồ trong khu di tích. (Ảnh: ANH TUẤN)

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, đồng chí Nguyễn Đức Dũng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn đã điểm lại lịch sử 65 năm đầy tự hào của Tập đoàn sản xuất Chí Hòa.

Năm 1956, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 45 cán bộ miền nam tập kết ra bắc cùng với một số đồng chí tù chính trị thuộc khám Chí Hòa do Pháp trao trả đã đến huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân ảnh 2

Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Những cán bộ và tù chính trị từ miền nam ra, đã thành lập Tập đoàn 1 và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa làm nhiệm vụ khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế tại huyện Lương Sơn. Sau đó, Tập đoàn 1 sáp nhập với Tập đoàn sản xuất Chí Hòa gọi là Tập đoàn sản xuất miền nam, sau đổi tên là Tập đoàn sản xuất Cửu Long-tiền thân của Nông trường Quốc doanh Cửu Long.

Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân ảnh 3

Các đồng chí lãnh đạo tại buổi Lễ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Với những thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất, năm 1958, Tập đoàn sản xuất Chí Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng ba với thành tích “sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở Lương Sơn, Hòa Bình, đã lập nhiều thành tích sản xuất góp phần vào việc khôi phục kinh tế xây dựng miền bắc".

Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân ảnh 4

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: ANH TUẤN)

Ngày 19/10/1958, trong chuyến đi thăm đồng bào các dân tộc và cán bộ tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Sư đoàn Bộ đội miền nam tập kết đóng ở huyện Lương Sơn và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa.

Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; để gìn giữ, bảo tồn di tích và lưu giữ chứng tích lịch sử cho các thế hệ và cũng là tâm nguyện của cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền nam tập kết ra bắc, ngày 9/10/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 1959 xếp hạng địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa, tại xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng khẳng định: “Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử văn hóa, xã hội to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết và ý chí vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Tháng 10/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định 2180 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình tôn tạo di tích địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa với diện tích 5.972,4m2, tổng mức đầu tư: 36.000.000.000 đồng (Ba mươi sáu tỷ đồng chẵn), được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 với số vốn đầu tư là 14 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện thi công từ ngày 16/11/2020 đến ngày 2/11/2022.

Giai đoạn 2 với tổng số vốn đầu tư 22 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách huyện 19 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 3 tỷ đồng), thực hiện thi công từ tháng 2/2023, đến nay tất cả các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tại buổi Lễ trọng thể, huyện Lương Sơn vinh dự tiếp tục được đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh-Cơ sở A2, Báo Nhân Dân. Đây là địa danh gắn liền với địa chỉ đỏ thời báo chí tuyên truyền cho cách mạng.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt (1965-1972), được sự đồng ý của Trung ương Đảng, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ đạo xây dựng tòa soạn và xưởng in dự phòng (cơ sở A2) tại xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cơ sở A2, Báo Nhân Dân gồm 2 nơi: Khu Nhà in tại hang Nhà Báo và khu tòa soạn cạnh hang Hổ. Cơ sở A2, Báo Nhân Dân do đội thanh niên xung phong số 105 thi công.

Khánh thành di tích Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa và đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Cơ sở A2, Báo Nhân Dân ảnh 5

Các đồng chí lãnh đạo thăm hang Nhà Báo-Cơ sở A2, Báo Nhân Dân sáng 16/10. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trung tâm hang Nhà Báo đặt 2 máy in loại LB201 và LB202, phía trong để máy phát điện vật tư in, bên ngoài cửa hang có lò đúc chữ, kho chứa giấy, buồng phóng và biên tập ảnh, nhà sắp chữ khu hậu cần… Hang có 3 cửa, nằm gần nhau nhưng bên trong không thông nhau. Mỗi cửa có chiều ngang khoảng từ 2 đến 3m, chiều sâu 20m-30m, trong hang có nhiều phiến đá xếp bằng rất thuận tiện để đồ đạc, máy móc.

Khu tòa soạn cạnh hang Hổ (cách hang Nhà Báo khoảng 1km) có nhiều dãy nhà tre lợp mái tranh làm nơi ở và làm việc cho phóng viên. Tổ thông tin do Nhà báo Ngô Thi làm tổ trưởng cùng các thành viên Kim Khúc, Xuân Tiến, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin với Trung ương và đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng, trong trường hợp Tòa soạn tại 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom không thể hoạt động.

Đồng chí Tổng Biên tập Hoàng Tùng và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lê và nhiều đồng chí trong Ban Biên tập thường xuyên lên kiểm tra tiến độ xây dựng, thăm cán bộ tổ thông tin, công nhân nhà in. Hai đồng chí bảo vệ cơ sở A2 gồm Nguyễn Văn Đậu và Nguyễn Quang Trinh đều là người địa phương.

Tuy chưa chính thức in Báo Nhân Dân nhưng cơ sở A2, Báo Nhân Dân đã in 1 số báo tuần của một số đoàn thể như: Báo Khoa học, Báo Phụ Nữ, Báo Thiếu niên Tiền phong... Đến đầu năm 1973, Báo Nhân Dân đã chuyển máy móc, cơ sở về Hà Nội.

Hiện, hang Nhà Báo hiện nằm trong quần thể của sân golf Phượng Hoàng, thuộc xã Lâm Sơn. Mặc dù trải qua gần 60 năm, trên vòm hang Nhà Báo vẫn còn nguyên dòng chữ khắc trên đá: “Chống Mỹ cứu nước, năm 1965-1970” do đồng chí Ngô Hanh - công nhân của Nhà in Báo Nhân Dân Hà Nội khắc. Con đường khoảng hơn 10m đổ bằng xi-măng trắng từ lán dẫn vào cửa hang vẫn còn nguyên vẹn.

Cơ sở A2, Báo Nhân dân tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn là di tích lịch sử có giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với Báo Nhân Dân và tỉnh Hòa Bình cũng như huyện Lương Sơn. Với mong muốn hang Nhà Báo trở thành một địa chỉ đỏ cho các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đảng, đồng thời là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa Nhân dân các dân tộc của tỉnh Hòa Bình cùng với nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, Báo Nhân dân đã đề xuất tỉnh Hòa Bình lập hồ sơ di tích.

Ghi nhận những giá trị lịch sử của di tích, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với di tích Cơ sở A2, Báo Nhân Dân. Đây là di tích cấp tỉnh thứ 8 trên địa bàn huyện Lương Sơn.

Tại buổi lễ, đồng chí Trương Thị Mai đã trao tặng các suất học bổng và quà trị giá 100 triệu đồng các cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn của huyện Lương Sơn.

Nhân dịp Cơ sở A2, Báo Nhân Dân đón nhận Bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đã trao tặng các món quà của Báo Nhân Dân là 20 bộ máy tính cho các trường học trên địa bàn huyện Lương Sơn. Món quà mang ý nghĩa giúp các em học sinh dân tộc thiểu số có cơ hội học tập, tiếp xúc với công nghệ.