Hang Nhà báo nằm ở trong dãy núi đá vôi thuộc xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hang Nhà báo nằm ở trong dãy núi đá vôi thuộc xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước

NDO - “Cùng với những căn hầm ở trụ sở 71 Hàng Trống, hang Nhà báo là nơi ghi dấu một thời Báo Nhân Dân cùng cả nước vừa bảo đảm sản xuất, vừa chiến đấu chống đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc”, nguyên Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ Báo Nhân Dân Đoàn Kim Khúc nhớ về quãng thời gian sơ tán ở hang Nhà báo - cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân trong giai đoạn năm 1967-1972.

NHÀ IN TRONG LÒNG NÚI

Một ngày đầu tháng Ba, gần dịp kỷ niệm 72 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, chúng tôi tới Hòa Bình, thăm hang Nhà báo, nơi từng là cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1967-1972.

Sau khoảng hơn 1 giờ đi ô-tô từ Hà Nội, chúng tôi tới sân golf Phượng Hoàng. Đi qua những bãi cỏ xanh mướt của sân golf, trước mắt chúng tôi là một núi đá vôi sừng sững. Tiến lại gần chân núi đá vôi, một cửa hang đá dần hiện rõ. Rẽ lối cỏ xanh xen lẫn hoa dại, càng vào sâu bên trong, lòng hang càng mở rộng. Khó ai nghĩ được rằng, 56 năm trước, hang đá nguyên sơ này đã từng được chuẩn bị để làm nhiệm vụ của một nhà in báo, với mục tiêu lớn nhất là bảo đảm công tác xuất bản Báo Nhân Dân được thông suốt ngay cả khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc.

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ảnh 1

Hang Nhà báo nằm dưới chân một núi đá vôi. Trước cửa hang ngày nay là một bãi cỏ xanh mướt. (Ảnh: THU TRANG)

Câu chuyện về hang Nhà báo có lẽ chưa được biết tới nhiều, nhất là khi vị trí của hang lại nằm trong sân golf Phượng Hoàng, một sân golf lớn khá quen thuộc với khách quốc tế. Với mong muốn tìm hiểu thêm về lịch sử của địa điểm đặc biệt này, nhất là khi nơi đây được gắn với những tháng năm hào hùng của những người làm Báo Nhân Dân, chúng tôi đã lần tìm gặp các nhân chứng đã từng công tác tại hang Nhà báo.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, các cán bộ, nhân viên của Báo Nhân Dân từng có mặt nơi đây người mất, người còn. Qua nhiều chỉ dẫn của các cô chú anh chị thế hệ trước, chúng tôi tìm gặp được bà Đoàn Kim Khúc, nguyên Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Báo Nhân Dân. Bà Kim Khúc là 1 trong 3 cán bộ thuộc Tổ thông tin của tòa soạn Báo Nhân Dân thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị cho việc sơ tán tòa soạn Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống tới cơ sở bí mật này.

"Trước cửa hang khi đó là rừng rậm rạp, có hai con suối nhỏ, không phải sân cỏ rộng thoáng như bây giờ. Để bảo đảm bí mật nên cơ sở sơ tán phải nằm trong rừng, nên việc đi lại, ăn ở rất khó khăn, có cả nguy hiểm" - bà Kim Khúc nhớ lại.

Hang Nhà báo nằm trong khu rừng thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, lối rẽ cách Quốc lộ 6 gần 4km, theo đường mòn qua 2 đoạn suối. Tên gọi hang Nhà báo không biết có từ bao giờ, nhưng theo các nhân chứng kể lại, từ xưa người dân địa phương đã gọi tên gọi này. Địa điểm này còn có mật danh là A2.

Tuy chưa chính thức in Báo Nhân Dân nhưng đây là điểm “phòng bị” của báo Đảng trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền bắc (1965-1972).

Năm 2018, ông Đinh Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn kể lại, khi chủ đầu tư sân golf Phượng Hoàng san ủi mặt bằng làm sân golf, UBND xã đã đề nghị họ không được lấp cửa hang Nhà báo cũng như xây dựng công trình trong và trước cửa hang, bởi vì đây là di tích lịch sử của Báo Nhân Dân. Chủ đầu tư đã chấp thuận đề nghị của UBND xã Lâm Sơn và ngày nay, hang Nhà báo vẫn nguyên vẹn như trước: hang lớn, nông và có trần cao, nền xi-măng đặt hai chiếc máy in, bên ngoài cửa hang có gắn biển di tích: “Cơ sở A2, Báo Nhân Dân”.

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ảnh 2

Biển di tích: “Cơ sở A2, Báo Nhân Dân” được gắn bên ngoài cửa hang Nhà báo.

Theo lời kể của các nhân chứng, 56 năm về trước, tháng 7/1967, Đội Thanh niên xung phong 105 lúc đó đang hoạt động tại địa bàn Mai Châu, Hòa Bình nhận lệnh hành quân đến một địa điểm bí mật để làm đường, dựng lán trại. Sau này họ mới biết đây là sơ sở dự phòng của Báo Nhân Dân phòng ngừa chiến tranh ác liệt.

Cơ sở dự phòng này có hang Nhà báo đặt nhà in và khu tòa soạn đặt cạnh hang Hổ (phía bên trái hang Nhà báo khoảng 1km dọc theo dãy núi đá vôi). Trong quá trình xây dựng lán trại, lắp đặt máy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân lúc đó là đồng chí Hoàng Tùng đã lên 2 lần.

Trung tâm hang Nhà báo đặt hai máy in loại LB 201 và LB 202 trên nền xi-măng, phía trong để máy phát điện, vật tư in. Bên ngoài cửa hang có khu xưởng đúc chữ, phòng tráng phim, in ảnh, kho để giấy in báo rồi đến xưởng sắp chữ.

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ảnh 4

Khu vực trong hang Nhà báo. (Ảnh: THU TRANG)

Kể lại việc di chuyển hai chiếc máy in có khối lượng trên 10 tấn mỗi máy, ông Nguyễn Đình Đắc, nguyên Quản đốc phân xưởng máy in - Nhà máy in Báo Nhân Dân Hà Nội nhớ lại: Thời kỳ đó không có máy cẩu, máy nâng, chỉ có 1 chiếc ròng rọc và sức người, cùng với quyết tâm của các anh em nhà máy, nhưng sau 10 ngày máy in đã được tháo dỡ và vận chuyển tập kết tới nơi sơ tán là hang Nhà báo. Rồi sau 1 tháng, ông cùng các đồng nghiệp đã lắp đặt xong 2 chiếc máy in trong hang, sẵn sàng tổ chức in nếu Nhà in Hà Nội xảy ra sự cố.

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ảnh 5

Dòng chữ "Chống Mỹ cứu nước 65-72" tại hang Nhà báo do công nhân nhà in Ngô Hanh khắc vào năm 1972. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trong hang có một dòng chữ khắc trên nhũ đá: “Chống Mỹ cứu nước 65-72”. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đậu, 1 trong 4 bảo vệ khu vực dự phòng bí mật này thời kỳ đó, dòng chữ do một công nhân nhà in Báo Nhân Dân tên là Ngô Hanh khắc. "Thời điểm anh khắc dòng chữ nổi trên là năm 1972. Anh Ngô Hanh phải đứng lên trên một trong hai chiếc máy in đặt trong hang mới khắc chữ được", ông Nguyễn Văn Đậu kể lại.

Cách hang Nhà báo khoảng 1km là hang Hổ, nơi đặt khu làm việc của tòa soạn. Khu tòa soạn có nhiều dãy nhà tre lợp mái tranh làm nơi ở và nơi làm việc cho các phóng viên, nhân viên nhà in.

Bà Kim Khúc nhớ lại, chỗ ngủ của cán bộ, công nhân nhà in là một dãy phản dài làm bằng tre nứa đập dập. Ngày đầu lên nơi sơ tán, khi tới khu nhà lán, bà thấy mặt phản vẫn còn xanh màu lá. Chân phản là những cọc tre cắm xuống nền một cái hang được san phẳng. Ở nơi đặt máy in, bàn làm việc của bộ phận sửa bài, xếp chữ, mông-ta cũng bằng tre nứa.

NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN

Trong ký ức của nguyên Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Báo Nhân Dân, mặc dù Báo Nhân Dân không phải sơ tán lên cơ sở bí mật, bộ phận nhà in ở hang Nhà báo chưa in báo nhưng những tháng ngày chuẩn bị cho công tác xuất bản Báo ngay khi có lệnh là quãng thời gian không thể nào quên.

Bà Kim Khúc kể, bà và đồng chí Nguyễn Xuân Tiễn là hai điện báo viên đầu tiên về Báo khi cơ quan thành lập Tổ thông tin trực thuộc Ban Thư ký-Biên tập do nhà báo Ngô Thi làm tổ trưởng. Tổ Thông tin có nhiệm vụ giữ liên lạc bằng vô tuyến điện (lúc đó hầu hết liên lạc bằng hữu tuyến) giữa Trung ương Đảng với Ban Biên tập nếu đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội đến mức cơ quan phải làm việc tại nơi sơ tán.

Trong khi tòa soạn chưa phải dời đến nơi sơ tán, Tổ thông tin có nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc bằng vô tuyến từ nơi sơ tán đến Hà Nội và ngược lại. Vì thế, Tổ thông tin thường thay nhau người ở Hà Nội, người ở nơi sơ tán để giữ liên lạc và thử nghiệm máy móc.

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ảnh 6

Nhà báo Hà Hồng (giữa) - con trai nhà báo Ngô Thi và hai nhân chứng là bác Nguyễn Quang Chinh (bên trái) và bác Nguyễn Văn Đậu (bên phải) tại hang Nhà báo trong chuyến công tác của đoàn Báo Nhân Dân lên hang Nhà báo năm 2018. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chuyến công tác đầu tiên của Tổ thông tin là vào tháng 12/1967, bà nhớ: “Ở đầu Hà Nội, anh Ngô Thi nhận điện, còn tôi và Tiễn theo quy định đúng giờ là lên sóng gửi tin về. Hai người thay nhau, người quay máy phát điện, người đánh ma-níp. Quay máy phát điện rất nặng cho nên anh bạn Tiễn thường nhận việc quay máy để tôi đánh ma-níp nhẹ nhàng hơn”.

Công việc tưởng chừng như đơn giản: chỉ cần bắt tín hiệu rồi chào nhau nhưng phải lên sóng đúng giờ để giữ liên lạc luôn thông suốt.

Hang Nhà báo - Cơ sở bí mật của Báo Nhân Dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ảnh 7
Bà Đoàn Kim Khúc, nguyên Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Báo Nhân Dân chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà báo lão thành của Báo Nhân Dân nhân dịp kỷ niệm 72 năm Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951 - 11/3/2023).

Trong hồi ức từng chia sẻ khi còn sống, ông Xuân Tiễn nhớ lại: “Đợt đi đầu tiên kéo dài tới vài tháng rồi cả máy và người về Hà Nội. Tình hình chiến sự căng thẳng lại đưa người và máy lên rồi lại về nhiều lần như thế. Ở nơi sơ tán rất rét, nhiều rắn rết và có lúc thiếu lương thực, thực phẩm, mỗi khi mưa to nước suối lên, xe tiếp tế không vào được. Đã có lần trời mưa dầm dề, gần chục người mà chỉ còn hơn cân bột, loại bột mì lẫn với nếp dùng để nấu thành hồ dán giấy chạy máy in (nếu rách), đành nấu cháo loãng chia nhau chờ xe lên. Lúc khó khăn cũng có sáng kiến. Lấy đá chặn suối, dùng với bột (chống mối ở kho giấy) sục cho cá nổi lên, leo lên núi tìm măng, sung và, dâu da nhưng không được ra đường 6 để bảo đảm bí mật”.

Thiếu lương thực, thực phẩm chưa là gì so với hiểm nguy nơi rừng rậm rạp. Ông Tiễn nhớ, nhiều lần rắn chui vào kho giấy, nằm trong khay sắp chữ. Buổi đêm, khi có việc phải đi ra ngoài, ai cũng phải đi giày, ủng và trước giờ đi ngủ phải lấy gậy đập để đuổi rắn.

Năm 1972, đợt 12 ngày đêm B-52 đánh phá Hà Nội, lực lượng tòa soạn lên nơi sơ tán khá đông. Ở nơi núi rừng heo hút, rét cắt da cắt thịt của mùa đông 1972, tất cả mọi người đều bồn chồn, lo lắng về gia đình ở Hà Nội, về cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang ở Thủ đô, nhất là sau khi không quân Mỹ đánh Khâm Thiên.

“Đêm nào cũng nhìn rõ những "cục lửa" bay trên đầu chứa đầy bom đạn tiến về Hà Nội, anh em chúng tôi không ngủ được. Không có chè, thiếu thuốc lá, chỉ đốt lửa lên và túm tụm bàn luận tình hình”, ông Xuân Tiễn hồi ức.

Khó khăn, hiểm nguy là thế, nhưng tất cả cán bộ nhà in và tòa soạn luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận lệnh để in Báo, bảo đảm mạch thông tin không bị gián đoạn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

56 năm đã qua, nhớ về quãng thời gian ở nơi sơ tán ấy, bà Kim Khúc xúc động nói: “Những kỷ niệm ngày đó vẫn theo chúng tôi. Một thời vất vả nhưng đầy niềm vui, thấm đẫm tình đồng chí, đồng nghiệp. Nó làm cho chúng tôi dù sau này có vất vả, khó khăn đến đâu cũng không nản lòng để làm việc ngày một tốt hơn, có ích hơn”.

* Bài viết có trích đoạn một số hồi ký, câu chuyện được đăng trong nội san Người làm Báo Nhân Dân, số 30, quý II/2018.

back to top