Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để có thể di chuyển hàng chục tấn máy móc dưới bom đạn giữa Thủ đô? Chưa kể, địa điểm sơ tán dù chỉ cách Hà Nội khoảng 40km nhưng đây là vùng rừng núi có nhiều cây cối rậm rạp, đường đi lắt léo do địa hình hiểm trở. Vậy, nhưng chỉ sau một tháng, phân xưởng in đã được lắp đặt hoàn chỉnh trong hang đá, sẵn sàng công tác in ấn, xuất bản báo chí.
Khó có thể nói hết những gian nan vất vả của những người làm báo thời ấy khi vừa phải chống giặc, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ cập nhật thông tin, kịp thời đưa tin tức, bài phản ánh, tuyên truyền đến người dân, đồng bào cả nước. Tuy nhiên, ở địa danh nơi núi rừng có mật danh là A2 ấy, những người làm Báo Nhân Dân lúc bấy giờ luôn quan niệm đây là nhiệm vụ hàng đầu, đồng thời coi đó là niềm vinh dự của người làm báo trong thời kỳ chiến tranh.
Nghe các bậc lão thành Báo Nhân Dân kể lại, những ngày mùa đông giá lạnh, cái rét nơi núi rừng như cắt vào da thịt, rắn rết bò vào trong hang rất nhiều. Trước cửa hang là dòng suối, mỗi khi mưa to, nước lên nhanh, việc tiếp tế lương thực rất khó khăn nếu như không muốn nói là… không thể. Bữa ăn hằng ngày đều phải dựa vào núi rừng, có măng ăn măng, có sắn ăn sắn. Thỉnh thoảng bữa ăn được cải thiện bằng ít thịt chim muông hay con thú nào đó sập bẫy. Dẫu vậy, những thiếu thốn vật chất đó chưa là gì so những ngày máy bay B52 càn quét Hà Nội. Lúc đó, một lực lượng cán bộ, nhân viên tòa soạn phải sơ tán lên hang rất đông. Tất cả già, trẻ, lớn nhỏ đều phải ngủ trên sàn liếp với những tâm trạng rối bời. Không ngổn ngang làm sao được khi nghĩ về gia đình đang ở Hà Nội không biết có bình yên hay không? Đêm đêm, từ cửa hang đá, những đôi mắt chong chóng hướng về phía những “vệt lửa đỏ” đang bay. Đó là bom đạn, là những đêm không thể chợp mắt của rất nhiều người. Nhưng điều ấy không khiến ý chí người làm báo gục ngã, nó cũng không thể đánh sập được lòng quyết tâm của những tinh thần sắt đá, mà nó chỉ khiến cho những người làm Báo Nhân Dân thời ấy hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà thôi.
Hiện nay, hang đá cũng như toàn bộ dãy núi đá vôi, nơi người dân chung quanh vẫn gọi là “Hang nhà báo” nằm trong khu vực sân gôn Phượng Hoàng, thuộc xóm Rổng Vọng, xã Lâm Sơn của huyện Lương Sơn. Khoảng cuối năm 2019, đoàn công tác Báo Nhân Dân đã cùng với tỉnh Hòa Bình gắn biển di tích “Cơ sở A2, Báo Nhân Dân”, đáp ứng nguyện vọng nơi đây trở thành một trong những địa chỉ đỏ để các thế hệ cán bộ, phóng viên hệ thống báo Đảng có thể đến thăm, hiểu thêm để gìn giữ và tiếp nối truyền thống của lớp người đi trước. Đồng thời, coi đây như lời tri ân những người dân địa phương đã từng che chở, chăm sóc, bảo vệ cơ sở báo chí cách mạng trong những năm tháng gian lao.