Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh, Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết và ý chí vươn lên mạnh mẽ của huyện Lương Sơn nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung.
Ôn lại truyền thống, năm 1956, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, có 45 cán bộ miền nam tập kết ra miền bắc, cùng với các đồng chí tù chính trị thuộc khám Chí Hòa do thực dân Pháp trao trả đã đến huyện Lương Sơn. Qua đó đã thành lập Tập đoàn 1 và Tập đoàn Chí Hòa làm nhiệm vụ khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế tại huyện Lương Sơn. Sau đó, Tập đoàn 1 sáp nhập với Tập đoàn Chí Hòa gọi là Tập đoàn sản xuất miền nam, sau đổi tên là Tập đoàn sản xuất Cửu Long - tiền thân của Nông trường Quốc doanh Cửu Long.
Với những thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất (năm 1958), Tập đoàn sản xuất Chí Hòa được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba với thành tích "Sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở Lương Sơn (Hòa Bình), đã lập nhiều thành tích sản xuất góp phần vào việc khôi phục kinh tế xây dựng miền bắc".
Ngày 19/10/1958, trong chuyến thăm tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Sư đoàn Bộ đội miền nam tập kết đóng ở Lương Sơn và Tập đoàn sản xuất Chí Hòa. Sự kiện Bác Hồ về thăm Lương Sơn là một sự kiện quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện.
Nhằm gìn giữ, bảo tồn di tích và lưu giữ chứng tích lịch sử này, ngày 9/10/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký Quyết định số 1959 xếp hạng di tích, địa điểm Bác Hồ về thăm tập đoàn sản xuất Chí Hòa, xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn là di tích lịch sử cách mạng.
Tháng 10/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định 2180/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình tôn tạo di tích địa điểm Bác Hồ về thăm Tập đoàn sản xuất Chí Hòa với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14 tỷ đồng, với diện tích 5.972,4m2.
Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành hạng mục giai đoạn 1 với các hạng mục Nhà tưởng niệm Bác Hồ, cổng tường rào bê-tông; bồn cây khế (nơi Bác Hồ nghỉ chân); giàn hoa giấy và một số hạng mục phụ trợ khác. Giai đoạn 2, công trình được đầu tư 10 tỷ đồng với các hạng mục nhà tả vu, nhà hữu vu, nhà phương đình, nhà khách, cổng, sân vườn và một số công trình phụ trợ khác...