Việc sửa đổi Luật Các TCTD nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý TCTD gặp rủi ro thanh khoản; luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu của các TCTD.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Luật Các TCTD (sửa đổi) có rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.
Cụ thể, luật đã hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của TCTD; hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và quỹ tín dụng nhân dân; hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và xây dựng khung pháp lý cho việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0; hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý TCTD yếu kém.
Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, Luật Các TCTD đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu;…
Đồng thời, luật cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhưng không luật hóa tại Luật Các TCTD, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các TCTD (sửa đổi) và gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Tuy vậy, mốc thời gian 1/7/2024 đang tới gần, thời hạn để ban hành các văn bản quy định chi tiết và văn bản hướng dẫn thi hành đang rất gấp, cùng với số lượng văn bản cần ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều, khối lượng công việc lớn nên rất cần có sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành liên quan.
Tại hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra mới đây, để bảo đảm tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD (sửa đổi), căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ Tư pháp xem xét việc áp dụng thủ tục ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn để kịp thời triển khai thi hành luật này.
Đồng thời, trong quá trình làm đầu mối xây dựng các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa đơn vị chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành luật.