Bảo đảm sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng

Năm 2023, mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giữ vững ổn định hệ thống trong bối cảnh ngành ngân hàng phải đối mặt với biến cố chưa từng có trong lịch sử như trường hợp của ngân hàng SCB.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Agribank.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Agribank.

Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có “độ mở” lớn, phải đối mặt với những thử thách chưa có tiền lệ, từ hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến quá trình thắt chặt tiền tệ liên tục và quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Do vậy, việc vừa phải giảm mạnh lãi suất VND nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, vừa phải điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt, hài hòa trong tầm kiểm soát, cũng như bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu lạm phát, là những nhiệm vụ khó khăn đặt ra cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nỗ lực chèo chống giữ ổn định

Có thể nói, 2023 là năm hết sức đặc biệt đối với hoạt động kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng.

Tuy nhiên, với mọi nỗ lực, nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng).

Ngay từ đầu năm, lãi suất đã trở thành thách thức đầu tiên cho nhà điều hành. Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn nhận, điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 đã gây không ít khó khăn cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong các ngân hàng trung ương đầu tiên tại châu Á xoay trục chính sách tiền tệ sớm nhất.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục bốn lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2,0%/năm, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất đã giảm về mức tương đương của 20 năm trở về trước; trong đó, lãi suất cho vay cũng đã xuống rất thấp kể cả lĩnh vực không thuộc đối tượng ưu tiên.

Cùng với lãi suất, tỷ giá cũng được đánh giá là một thành công trong công tác điều hành khi trong năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã can thiệp ngoại tệ linh hoạt, góp phần giữ ổn định thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền.

Với việc điều hành phù hợp, linh hoạt, tỷ giá trong năm 2023 chỉ tăng 2% - mức biến động thuộc nhóm thấp nhất thế giới trong bối cảnh đồng nội tệ nhiều quốc gia mất giá tới 12-17%.

Thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch Ratings nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Đối với tín dụng, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ như vậy, đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, thấp hơn đôi chút so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm (14-15%). Và mặc dù tăng 13,5%, nhưng trên nền số dư khoảng 12 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2023 thì hệ thống ngân hàng đã đưa vào nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng phải đối mặt biến cố chưa từng có trong lịch sử như trường hợp ngân hàng SCB, bằng những nỗ lực vượt “cơn gió ngược”, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.

Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Hành động quyết liệt để đạt các mục tiêu

Năm 2024, kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tất cả những yếu tố này cũng là thách thức rất lớn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để vừa ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng cũng phải hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, như thông điệp phát ra từ đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2024 sẽ là năm hành động quyết liệt hơn nữa của ngành ngân hàng để đạt được các mục tiêu điều hành đặt ra.

Cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Điều hành lãi suất phù hợp diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương khoảng 17-18 tuần nhập khẩu (mức an toàn là hơn 12 tuần nhập khẩu).

Ngoài nguồn cung ngoại tệ được dự báo tiếp tục dồi dào, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đảo chiều nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại, được đánh giá sẽ giúp chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam không còn chịu nhiều áp lực như giai đoạn trước.

Trước áp lực tỷ giá năm 2024 dự báo không quá lớn, chính sách tỷ giá cũng được xác định tiếp tục điều hành một cách linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Câu chuyện khơi thông tín dụng cũng tiếp tục được đặt ra cho nhà điều hành trong năm 2024.

Ngay từ đầu năm nay, điều hành tín dụng đã có thay đổi bước ngoặt khác các năm trước đây khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm, với định hướng tăng trưởng cả hệ thống là 15%.

Con số này theo nhà điều hành, sẽ được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp diễn biến, tình hình thực tế. Việc đưa ra con số ngay từ đầu năm như vậy cũng thể hiện rõ quyết tâm cung ứng vốn của ngành ngân hàng, có tính đến trách nhiệm của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Cuối cùng, nợ xấu vẫn là câu chuyện đáng lưu ý của hệ thống ngân hàng năm 2024. Mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng cũng đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, bất cập và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục phối hợp các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được ban hành; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.