Hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được hoàn thiện và thông qua sẽ góp phần phát triển lành mạnh thị trường tín dụng. Ảnh: SONG ANH
Các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được hoàn thiện và thông qua sẽ góp phần phát triển lành mạnh thị trường tín dụng. Ảnh: SONG ANH

Dự thảo luật tăng thêm 7 điều

Ngay sau kỳ họp thứ 6 tháng 11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng XHCN; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD); tăng khả năng chống chịu của hệ thống TCTD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng. Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo luật trình QH tại Kỳ họp thứ 6).

Đối với Khoản 1 Điều 59, UBTVQH xin chỉnh lý như sau: “Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo”.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình TCTD như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại Khoản 1 Điều 136 dự thảo luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Tiếp thu ý kiến đối với quy định về dự phòng rủi ro (Điều 147), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp... Vì vậy, cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu quy định về kiểm soát đặc biệt TCTD (Chương X), theo đó trên cơ sở ý kiến của đại biểu QH và đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt khi thuộc các trường hợp được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất”.

Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định: “NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại Khoản 1 Điều 207.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của luật khi ban hành.

Ngoài ra, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH liên quan đến xử lý trường hợp tổ chức tài chính bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI); xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII); quy định chuyển tiếp đối với Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Điều 210)…

Cần kịp thời sửa đổi, thông qua

Đánh giá cao về sự tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình tại phiên họp lần này, bên hành lang QH, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), hệ thống ngân hàng được ví như là mạch máu của nền kinh tế, chuyển vốn từ người gửi tiền sang những người có nhu cầu sử dụng vốn. Theo ông, “mạch máu có thông suốt, có mạnh khỏe thì cả cơ thể là nền kinh tế mới tốt được. Vì vậy, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này rất cần thiết”.

Đánh giá cao tính kịp thời, nghiêm túc và cầu thị của các cơ quan soạn thảo tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, UBTVQH trong việc trình Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại phiên họp bất thường lần thứ 5. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, luật khi được thông qua sẽ rất kịp thời để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), hoạt động tín dụng rất nhạy cảm, việc hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được mong đợi rất lớn. Những điều còn đang băn khoăn trong dự thảo luật đã cơ bản được thống nhất.

Nhiều chuyên gia khẳng định, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là luật hết sức sâu về chuyên ngành, đặc biệt những nội dung quy định về thị trường vốn, tài chính… đều là những vấn đề nhạy cảm của nền kinh tế, nên việc xem xét, sửa đổi luật hiện nay rất cần thiết, đòi hỏi sự tiếp thu, chỉnh sửa thấu đáo trên cơ sở ý kiến đóng góp, kỳ vọng của đông đảo chuyên gia, người dân và doanh nghiệp.