Sẽ bàn thêm về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chiều 9/1, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ cho biết, sau 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Hầu hết các nội dung đã được chuẩn bị cơ bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ðề cập dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ cho biết cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Căn cứ kết quả phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thêm một phiên họp bổ sung để xem xét riêng nội dung về dự án luật này trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, dự kiến từ ngày 15/1 đến 18/1/2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương vào cuộc, chuẩn bị nội dung trên tinh thần chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng để có thể trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với đề nghị giải thích khoản 1 Ðiều 6 Luật Ðầu tư công. Theo lý giải của Chính phủ, quy định này đang gây ra cách hiểu khác nhau dẫn tới vướng mắc trong triển khai. Cụ thể, quy định tại khoản 1 Ðiều 6 Luật Ðầu tư công có thể dẫn tới cách hiểu rằng toàn bộ dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Ðầu tư công nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.

Cho ý kiến vào nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định Luật Ðầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan không có quy định cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công được phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước bố trí dự toán hằng năm để thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công.

Ðể giải quyết vấn đề Chính phủ nêu ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án: Một là nghiên cứu, ban hành một văn bản quy định hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước bằng hình thức nghị định; hai là nếu ban hành nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải dự thảo nghị quyết theo đúng quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng trong chiều qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðất đai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Theo báo cáo: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, hiệu quả trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật. Các cơ quan đã dành nhiều thời gian để thảo luận, nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện phương án kỹ thuật thể hiện chính sách nhằm bảo đảm cách hiểu rõ ràng, thống nhất, phản ánh đúng nội hàm từng chính sách trong dự thảo luật.

Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. So với dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa hai đợt của kỳ họp thứ 6, dự thảo luật đã bỏ 5 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều.