Khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở trên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái

NDO - Ngày 3/10, Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh phối hợp Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, xử lý sự cố sạt trượt mái ta-luy dài 200m tại Km108 đoạn qua huyện Đầm Hà, một hợp phần trên tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.
0:00 / 0:00
0:00
Vị trí sạt lở trên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Vị trí sạt lở trên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, cho biết: Ngay khi có sự cố, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu thi công huy động máy móc, thiết bị nhanh chóng xử lý khối lượng sạt trượt đã chuyển vị và thanh thải khối lượng đất đá tràn xuống nền đường.

Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát địa hình, địa chất và đưa ra giải pháp thiết kế để xử lý kiên cố hóa, bảo đảm ổn định công trình.

Đến thời điểm này, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn thành thiết kế xử lý tại vị trí sạt trượt, đang xin ý kiến Hội đồng nghiệm thu nhà nước, UBND tỉnh để tiến hành xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất có thể.

Từ ngày 3/10, chủ đầu tư cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sẽ tiến hành phân làn đường để xử lý sự cố sạt trượt mái ta-luy (do ảnh hưởng thời tiết mưa bão kéo dài nhiều ngày vừa qua). Việc phân làn được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm tối đa an toàn, thông suốt cho các phương tiện xe cộ lưu thông trên tuyến.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ tạm dừng khai thác, vận hành làn bên trái trong phạm vi chiều dài 1,2km kể từ vị trí Km108 theo hướng đường Móng Cái-Vân Đồn.

Đơn vị cũng triển khai phân luồng làn bên phải tuyến đường thành 2 làn giao thông 2 chiều theo hướng Vân Đồn-Móng Cái.

Thời gian tiến hành phân luồng giao thông sẽ kéo dài đến hết ngày 30/10/2022.

Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường trong suốt thời gian phân luồng, chủ đầu tư tiến hành nhiều biện pháp chỉ dẫn, cảnh báo, kiểm soát giao thông chặt chẽ như: Biển báo phân làn, sơn kẻ đường, đèn tín hiệu giao thông di động, các trang thiết bị dẫn đường, tuân thủ theo tiêu chuẩn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Hệ thống rào chắn được dán phản quang, đèn chớp báo hiệu vào ban đêm, giúp các các phương tiện nắm được lịch trình và tránh các khu vực thi công.

Bên cạnh đó, lực lượng nhân viên tuần đường, nhân viên bảo đảm giao thông sẽ thường xuyên túc trực để báo hiệu cho các phương tiện giảm tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường phân làn.

Trung tâm điều hành đặt tại trạm thu phí đầu tuyến theo dõi và kiểm soát thường xuyên diễn biến tại vị trí này qua camera giao thông, có thông báo, cảnh báo vị trí thủ công trên bảng thông báo điện tử VMS đến các phương tiện tham gia giao thông cũng như nhân viên tuần đường để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Sau khi tiến hành phân luồng, chủ đầu tư sẽ tiếp tục xử lý thu dọn toàn bộ khối lượng đất đá đã phong hóa, bị phân rã và có nguy cơ sạt trượt xuống lòng đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường.

Tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có địa hình phức tạp đi qua nhiều khu vực đồi núi.

Do đó, trong quá trình thi công đơn vị tư vấn thiết kế TEDI và chủ đầu tư đã phải tính toán kỹ lưỡng, tiến hành nhiều biện pháp thi công như hạ đồi, mở tuyến, tạo vách ta-luy cao đồng thời nhiều vị trí đất đá xen kẹp, phong hóa mạnh ảnh hưởng đến kết cấu bền vững của nền đất.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết mưa nhiều tác động trực tiếp đến kết cấu địa chất đã dẫn tới xuất hiện khối sạt trượt, tách khỏi mái dốc tự nhiên.

Khối sạt trượt sau khi dịch chuyển đã chia tách thành nhiều vết nứt có độ rộng từ 3 đến 5m xuống lòng đường, lấp rãnh dọc, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngay khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã huy động nhân lực và thiết bị nhanh chóng vét sạch toàn bộ khối lượng đất đá tràn xuống lòng đường để bảo đảm cho giao thông được an toàn, thông suốt.

Trung bình mỗi ngày cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có khoảng hơn 6.000 lượt xe cộ lưu thông và tổng số lượng xe di chuyển qua tuyến đường trong 1 tháng qua là 156.030 lượt xe.

Tuyến cao tốc này cũng là mắt xích quan trọng trong trục giao thông xương sống liên kết Quảng Ninh với các tỉnh, thành lân cận của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, đồng thời kết nối giao thương giữa các địa phương với Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.

Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận hành, chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn luôn xác định đề cao yếu tố an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông.