Khai thác hiệu quả các nguồn lực văn hóa của Thủ đô

Trong những năm qua, Hà Nội đã chú trọng khai thác, phát huy những nguồn lực từ di tích, làng nghề, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thành phố cần những giải pháp có tính đột phá về cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả hơn những nguồn lực văn hóa ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội nỗ lực khai thác giá trị di sản để phát triển kinh tế-xã hội. (Trong ảnh: Biểu diễn trống hội tại Hoàng thành Thăng Long).
Hà Nội nỗ lực khai thác giá trị di sản để phát triển kinh tế-xã hội. (Trong ảnh: Biểu diễn trống hội tại Hoàng thành Thăng Long).

Những năm qua, thành phố đã khai thác, phát huy những nguồn lực văn hóa này để phục vụ cho phát triển. Những địa danh như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, chùa Hương, thành cổ Cổ Loa… không chỉ là những điểm du lịch nổi tiếng, mà các cơ quan quản lý di tích còn phối hợp các doanh nghiệp lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch.

Điển hình như các tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò...; các làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, sơn mài Hạ Thái... vừa sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, vừa là những địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Phát huy thế mạnh di sản

Từ nền tảng này, thành phố xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Trong đó, thành phố chú trọng những lĩnh vực có thế mạnh như: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo...

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn không ít hạn chế trong khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển. PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Hà Nội không chỉ có tiềm năng di sản, mà còn có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhiều sông, hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng... tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

So với nhiều tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh..., Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế”. Bên cạnh đó, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa có kết quả như mong muốn, chưa góp phần tạo nên sức mạnh mềm văn hóa cho Hà Nội. Việc quy hoạch, phát triển các không gian của thành phố cũng chưa được chú ý đúng mức trong tương quan với phát triển văn hóa, nhất là để lãng phí “trục” sông Hồng-vốn là trục trung tâm của thành phố trước kia.

Khơi dòng cho những nguồn lực

Mặc dù Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng thực tế đến nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, nhận diện nguồn lực văn hóa.

Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại” do thành phố tổ chức, nhiều chuyên gia hàng đầu đã nhấn mạnh việc nhận diện đúng các nguồn lực văn hóa của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí văn hóa là yếu tố then chốt, để từ đó có thể phát huy tối đa những tài nguyên văn hóa mà thành phố đang sở hữu.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận thức mới về nguồn lực văn hóa. Trong đó, việc khai thác, phát huy giá trị nguồn lực phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch, tổ chức không gian của thành phố.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: “Hà Nội cần chú trọng đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch và phát triển trục không gian sông Hồng. Trong tương lai, sẽ có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Mỗi cây cầu sẽ có những câu chuyện riêng mang nét văn hóa riêng của Hà Nội.

Đây cũng là yếu tố để có thể khai thác du lịch, thu hút du khách. Vì thế, việc quy hoạch sông Hồng không chỉ là về cảnh quan, kiến trúc hai bên bờ sông theo hướng đô thị hiện đại, mà còn cần tính đến các câu chuyện văn hóa, cũng như cần giải quyết ổn thỏa vấn đề dân sinh hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, Hà Nội cần lưu ý phát triển văn hóa đường phố”.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, 1.000ha ở khu vực hai bên sông Hồng có nhiều tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Hà Nội. Vì thế, thời gian tới thành phố sẽ tập trung phát triển khu vực sông Hồng trở thành không gian xanh, trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô.

Đối với việc khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Vậy phải có giải pháp đưa lễ hội vào đời sống một cách hiệu quả. Chẳng hạn như cần phải liên kết các đơn vị quản lý di tích với đơn vị làm du lịch nhằm tạo sản phẩm du lịch cho Thủ đô, thu hút du khách.

Để khai thác các nguồn lực văn hóa thì cần có cơ chế cụ thể. PGS Đặng Văn Bài cho rằng, thành phố cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù; cần nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công-tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa - mũi nhọn kinh tế; ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng.

Hà Nội đi đúng hướng trong xây dựng Thành phố sáng tạo

Tôi đặc biệt ấn tượng với công sức, sự đầu tư của Hà Nội trong việc hiện thực hóa đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo với nhiều hoạt động trong suốt thời gian vừa qua, nhất là Lễ hội thiết kế sáng tạo diễn ra vào cuối năm 2022.

Với quy mô lớn, nhiều hoạt động ý nghĩa, lễ hội đã thu hút cả chục nghìn người tham dự. Hà Nội đang đi đúng hướng trong xây dựng Thành phố sáng tạo và UNESCO luôn ủng hộ Hà Nội kết nối việc hợp tác quốc tế với các nước có chung mong muốn. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang gặp những thách thức về ô nhiễm môi trường, tận dụng cơ sở hạ tầng, cảnh quan kiến trúc...

Tôi tán thành ý kiến làm thế nào để hòa hợp vấn đề bảo tồn và phát triển di sản, trong đó tập trung vào con người vì con người là chủ thể tạo ra và có cách riêng để bảo tồn di sản. Đồng thời, chúng tôi đề cao quan điểm nhấn mạnh văn hóa sáng tạo như chủ thể, động lực cho sự phát triển.

Ngài Christian Manhart,

Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam

Đưa thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn

Thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt của Việt Nam. Hiện nay, ở khu vực châu Á, Việt Nam đang giữ vị trí thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Trong đó, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội được đánh giá là ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao.

Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hiện đang mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng thủ công để Thủ đô tập trung phát triển trong những năm tới. Thậm chí, thủ công mỹ nghệ còn được kỳ vọng là ngành tạo cảm hứng, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Để phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, Hà Nội cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác du lịch làng nghề.

Giáo sư Từ Thị Loan, Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia