Khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Thanh Hóa

NDO - Ngày 13/4, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài trên địa bàn bằng phương thức trực tuyến và trực tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Quang cảnh phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ này, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp ở Thanh Hóa có xu hướng gia tăng.

Đến cuối năm 2022, trong tỉnh Thanh Hóa có 17 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng hơn 4,6 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên; 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng chậm đóng hơn 314 tỷ đồng, trong đó có 290 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 24 tháng trở lên, nợ đọng gần 172 tỷ đồng.

Khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Thanh Hóa ảnh 1

Doanh nghiệp phản ánh cần loại, đánh giá rõ nhóm doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm đối với người lao động và ngược lại để có đánh giá công tâm, bình đẳng.

Một số doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng nhiều lao động nhưng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lớn, thời gian kéo dài như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 862 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền là 18.804,58 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động chậm đóng 79 tháng với số tiền là 15.471,13 triệu đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động chậm đóng 55 tháng với số tiền là 9.295,03 triệu đồng;

Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 202 lao động chậm đóng 22 tháng với số tiền là 6.327,42 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên JLG Vina có 102 lao động chậm đóng 31 tháng với số tiền là 4.041,13 triệu đồng; Công ty TNHH Liên doanh Vinastone có 140 lao động chậm đóng 18 tháng với số tiền là 2.400,50 triệu đồng... Ngoài ra, có 520 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ sử dụng lao động bỏ trốn.., nên khó thu hơn 121 tỷ đồng.

Khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Thanh Hóa ảnh 2

Đại diện cơ quan thuế sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; chế tài xử lý doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ mạnh; có nhiều nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên.

Đó là ý thức trách nhiệm của nhiều thủ trưởng, kế toán ở một số cơ quan hành chính sự nghiệp, chủ doanh nghiệp chưa nghiêm; một số doanh nghiệp đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi trả lương hằng tháng cho người lao động nhưng vẫn không nộp hoặc nộp không đúng hạn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, cố tình dây dưa, lợi dụng vốn, có biểu hiện trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tổ chức công đoàn tại một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt chức năng đại diện, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; bản thân một bộ phận người lao động nhận thức về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ hoặc không dám đấu tranh.

Khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Thanh Hóa ảnh 3

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Cầm Bá Chái chất vấn tại phiên họp.

Tại phiên họp, các ý kiến chất vấn, trao đổi tiếp tục làm rõ hơn tình trạng, nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phát huy vai trò của cơ quan đại diện trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đấu tranh với hành vi chây ì, trốn đóng, chậm đóng, sử dụng sai mục đích quỹ bảo hiểm xã hội.

Khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Thanh Hóa ảnh 4

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa trả lời, giải trình các ý kiến chất vấn.

Phát biểu kết luận, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung vào các nhóm vấn đề “nóng”, nổi cộm, còn tồn tại, hạn chế liên quan đến việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm sớm khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh cần tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, nhất là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị hành chính sự nghiệp để xảy ra tình trạng chậm đóng; đưa tiêu chí đóng đúng, đóng đủ, kịp thời bảo hiểm xã hội vào chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị hằng năm.

Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động phối hợp giữa các cơ quan để nâng cao kết quả thu hồi nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn.

Ngành Bảo hiểm xã hội phải chủ động nắm chắc tình hình, thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp về tình hình đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình thực hiện.

Đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Khắc phục tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội ở Thanh Hóa ảnh 5

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại Kết luận phiên họp.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cũng yêu cầu, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng trong tỉnh Thanh Hóa cập nhật tình hình, thực thi biện pháp thu, xử lý nợ đọng, bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đẩy mạnh hoạt động giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận tại phiên giải trình.